PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần Trung ương I chia sẻ: “Tôi đang điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Một cháu là học sinh lớp 9 lên lớp 10, còn một cháu nữa năm nay bắt đầu vào đại học.
Cả 2 bệnh nhân đều bị trầm cảm nặng, mà nguyên nhân một phần là do bị rối loạn tâm lý vì áp lực học hành, thi cử. Trước đó, 2 bệnh nhân đều trải qua những kỳ thi quan trọng, với sự kỳ vọng quá lớn và gây áp lực của phụ huynh dẫn đến trẻ có hiện tượng bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học tập”.
Điều đáng nói là khi trẻ có các biểu hiện bị trầm cảm như buồn, chán, bỏ học, không thích giao tiếp… lại bị nhiều phụ huynh bỏ qua, đến khi vào viện thì bệnh đã nặng, thậm chí đã có những hậu quả đáng tiếc.
Trước đó đã từng xảy ra trường hợp một nữ sinh lớp 7 tử tự trong lớp học. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại bức thư xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, biểu hiện ban đầu của những trẻ bị trầm cảm là buồn, chán, mệt mỏi… Đây là biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ nhưng hay bị người lớn bỏ qua.
Tiếp đó trẻ có biểu hiện không thích học, sợ học, thấy sách vở là khóc, đến trường là sợ hãi, khóc lóc, trốn học… Bên cạnh đó trẻ còn không thích giao tiếp với bạn bè, thu hẹp mình lại, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ… Đặc biệt các em còn có biểu hiện sụt cân, da xanh xao.
Đây là những biểu hiện trầm cảm rõ ràng nhất ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể thấy rất rõ. Và khi thấy trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ nên đưa con đến khám chuyên khoa về tâm thần để được các bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí trẻ sẽ có xu hướng tự tử.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị trầm cảm gia tăng, bác sĩ Phương chỉ rõ, do tác động của gia đình, nhà trường và xã hội đã khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng cảm xúc, trẻ dễ bị stress trường diễn, sợ bố mẹ, không muốn tiếp xúc với bố mẹ, lâu dần trẻ bị trầm cảm nặng.
Bên cạnh đó là vấn đề học tập, hiện nay các cháu đang phải học quá nhiều, không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi. Tình trạng học hành căng thẳng kéo dài cộng với áp lực điểm số, thi cử khiến trẻ dễ mắc trầm cảm.
Trước thực trạng đó, bác sĩ Phương khuyến cáo, các em học sinh cần chủ động hơn trong việc học tập. Tốt nhất nên học dần dần, chia nhỏ các bài học để tránh học dồn vào những ngày sắp thi. Tránh học bài trong trạng thái căng thẳng vì nó sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ kiến thức. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, café… Đối với các bậc phụ huynh, không nên tạo áp lực cho con để trẻ thoải mái sáng tạo, tìm thấy niềm vui trong học tập.
L.MinhBạn đang xem bài viết 2 học sinh bị trầm cảm: Thấy sách vở là khóc, đến trường là sợ hãi tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].