Những sai lầm chết người mà nhiều người bệnh mắc phải trong điều trị hen phế quản

Bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc không đúng liều lượng, dùng đơn cũ để mua thuốc điều trị mỗi khi bệnh hen “bùng phát”… là những sai lầm mà nhiều người bị hen phế quản mắc phải.

Bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc không đúng liều lượng là những sai lầm mà nhiều bệnh nhân hen phế quản mắc phải. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ tử vong do bệnh hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị, kiểm soát hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do người bệnh mắc phải những sai lầm trong quá trình điều trị bệnh, chưa hiểu được hết giá trị của việc dự phòng hen phế quản dù đây là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống bình thường nếu được kiểm soát tốt.

TS.BS Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bị hen phế quản thường gặp phải một số sai lầm sau trong quá trình điều trị bệnh:

Đi khám bệnh không đều: Nhiều bệnh nhân mỗi năm chỉ đi khám 1 lần hoặc có không ít bệnh nhân diều trị một đợt thấy ổn nên không đi khám lại. Trong khi đó, theo khuyến cáo, đối với bệnh nhân hen, mỗi năm phải đi thăm khám ít nhất là 3 - 4 lần, để bác sĩ thăm khám và điều chỉnh liều dự phòng, điều trị cho phù hợp với tình trạng bệnh lúc đó.

Dùng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ: Một số bệnh nhân do quá sợ tác dụng phụ của thuốc điều trị và dự phòng hen nên không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát hen dẫn đến dùng thuốc không đúng liều lượng, bỏ thuốc điều trị. Thậm chí còn có tình trạng bệnh nhân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc điều trị hen cho mình, hoặc dùng đơn thuốc cũ để mua thuốc điều trị mỗi khi bệnh hen “bùng phát”.

Không chú ý đến môi trường sống: Với bệnh nhân hen phế quản, môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Bệnh hen phế quản thường nặng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên như môi trường khói bụi, phấn hoa, thuộc da, hóa chất, mùi than tổ ong...

Nhiều trường hợp người bệnh hen tái khám rất đều đặn, kỹ thuật dùng thuốc đúng nhưng bệnh hen vẫn không được kiểm soát tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ về tác nhân gây bệnh thì được biết, nhà bệnh nhân dùng than tổ ong, nuôi chó, mèo, thường xuyên cắm hoa...

Chính những sai lầm trên đã khiến cho nhiều bệnh nhân hen bị bệnh nặng thêm, điều trị thêm khó khăn và kéo dài, thậm chí có bệnh nhân còn rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân hen phế quản cần hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để dự phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa

Để quá trình điều trị bệnh hen đạt hiệu quả cao, TS.BS Phạm Huy Thông khuyến cáo người bệnh cần luôn mang theo thuốc dự phòng hen bên mình để tránh tình trạng khi lên cơn hen cấp mà không có thuốc để xịt ngay lập tức.

Những người có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau cần đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm và dự phòng, điều trị sớm bệnh hen: khó thở; thở khò khè, cò cử; ho; nặng ngực; khó thở về đêm; khó thở khi thay đổi thời tiết; bản thân và gia đình đã từng mắc các bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng (chàm, mày đay, hen phế quản, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn…).

Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bị hen phế quản

- Tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như: bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, một số thuốc điều trị, thức ăn gây dị ứng, thay đổi thời tiết.

- Dùng thuốc đều đặn, đúng kỹ thuật (thuốc xịt, thuốc hít), theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự ý ngừng thuốc, thay đổi thuốc điều trị.

- Tập luyện thể dục vừa phải, phù hợp với thể lực, tránh luyện tập quá sức.

- Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được sự tư vấn của thầy thuốc, giúp tăng sự hiểu biết về bệnh, đưa ra kế hoạch kiểm soát hen.

- Thuốc điều trị dự phòng duy trì, thuốc cắt cơn hen phải để ở nơi thuận tiện, dễ tìm, dễ lấy.

- Biết cách phát hiện và xử trí ban đầu khi có cơn hen cấp, liên lạc ngay với bác sĩ để được hướng dẫn.

- Các cách chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt và các loại thảo dược cũng có hiệu quả ở người bệnh hen.


Tin liên quan