Lối sống và cách ăn uống khoa học trẻ em Nhật được học từ nhỏ góp phần không nhỏ vào sức khỏe tốt và tuổi thọ cao của người dân nước này.
Trong khi tỷ lệ béo phì và tiểu đường ở trẻ tăng vọt trên thế giới, con số này ở Nhật thậm chí giảm trong những năm gần đây.
Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu những nguyên tắc dạy con của cha mẹ Nhật được các chuyên gia, bác sỹ, nhà dinh dưỡng học nghiên cứu và đúc kết.
1. Những bữa ăn gia đình đầy đủ dinh dưỡng
Cách ăn của người Nhật tuyệt vời ở chỗ, nó vừa tạo cảm giác no và ngon miệng lại vừa mang đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khi bạn ăn uống lành mạnh và bổ sung đủ những chất cơ thể cần, bạn sẽ ít thèm ăn vặt hơn.
Nhưng để khỏe mạnh, con bạn không nhất thiết phải ăn tảo biển, sushi hay đậu phụ - bạn chỉ cần hướng thói quen ăn uống của gia đình trở nên lành mạnh hơn.
Hãy nấu nhiều các món ăn từ thực vật như hoa quả, rau củ, các loại đậu đỗ, gạo nguyên hạt, chất béo tốt từ những loại cá giàu omega 3 và giảm các món chế biến sẵn chứa nhiều đường và muối.
Khẩu phần ăn như vậy ít calo, giàu dinh dưỡng và no lâu hơn, giảm thiểu nguy cơ béo phì cũng như các loại bệnh tật nó gây ra.
Ngoài ra, bí quyết của người Nhật là ăn nhiều cơm chứ không ăn mỳ hay bánh mỳ - cơm có chứa một lượng nước nhất định, tạo cảm giác no lâu và ít calo hơn.
2. Ăn là một niềm vui
Hãy cho trẻ ăn vặt – nhưng ở một lượng và tần suất hợp lý, đồng thời khuyến khích trẻ thưởng thức những gì chúng ăn.
Chuyên gia dinh dưỡng Tomomi Takahashi của Trường Mẫu giáo Kaji Sakura ở Hokkaido có một lời khuyên tuyệt vời dành cho các bậc phụ huynh: ‘Cha mẹ nên có một thái độ vui vẻ, như vậy con mới có thể ăn thoải mái. Hãy cho con thấy ăn là một niềm vui.’
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn tối cùng nhau: ‘Kể cả nếu bạn rất bận rộn, hãy dành riêng thời gian trong ngày để ngồi xuống ăn cùng con ít nhất một bữa’.
Cha mẹ cũng cần giảm bớt áp lực ăn uống lên con cái và cùng con tận hưởng bữa cơm gia đình.
3. Khuyến khích con thử những món ăn mới
Khẩu vị của trẻ thay đổi theo thời gian và cha mẹ có thể nhẹ nhàng hướng con ăn uống lành mạnh bằng cách làm gương cho con và để trẻ thử nhiều lựa chọn.
Trẻ càng được trải nghiệm nhiều món ăn lành mạnh từ sớm càng tốt cho thói quen ăn uống của con.
Đừng nản chí quá sớm. Trẻ sơ sinh chỉ cần ăn thử 1 lần có thể thích món gì đó nhưng trẻ trên 2 tuổi có thể cần tới 20 lần.
Hãy cho con được thử những món mới với một lượng nhỏ và không ép buộc trẻ.
4. Ăn theo một lượng vừa phải
Để cân bằng lại khẩu phần ăn, bạn chỉ cần sử dụng các loại bát đĩa nhỏ hơn, như vậy bạn có thể kiểm soát lượng thức ăn nạp vào và không ăn nhiều hơn mức cần thiết.
Cha mẹ nên cho con dùng bát đĩa nhỏ và để trẻ tự lấy thức ăn cho mình, như vậy con biết tự cân bằng khẩu phần ăn và cảm thấy ngon miệng hơn.
5. Để trẻ được tự do chạy nhảy
Thật khó để kéo trẻ tránh xa trò chơi điện tử và các cám dỗ công nghệ khác nhưng trẻ cần ít nhất 60 phút hoạt động thể chất vừa phải hàng ngày.
Cha mẹ hãy tạo nên các hoạt động vui vẻ - đi bộ đến trường cùng nhau hoặc cho con chơi cùng các bạn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, trẻ em Nhật Bản có tỷ lệ cao đặc biệt (98,3%) trẻ em đi bộ hoặc đạp xe đến trường so với các nước giàu khác – điều này có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ béo phì thấp ở trẻ em Nhật.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hoạt động thể chất ở mức độ phù hợp với trẻ từ 5 – 17 tuổi giúp phát triển xương khớp và cơ bắp cũng như hệ tim mạch khỏe mạnh, tăng khả năng phối hợp và kiểm soát hành động, cải thiện cách đối mặt với các triệu chứng trầm cảm và lo âu, mang lại cơ hội để trẻ thể hiện mình, tương tác và hòa nhập xã hội.
Hãy để trẻ được chơi ngoài trời trong những môi trường an toàn. Như vậy, trẻ sẽ học giỏi hơn, vui vẻ và tập trung hơn.
6. Đừng ngại khi phải đưa ra các luật lệ
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không thoải mái khi phải đưa ra luật lệ cho con. Tuy nhiên, để hình thành thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh cho trẻ, cha mẹ Nhật đã thành công khi áp dụng cách tiếp cận này.
Cách dạy con theo kiểu có căn cứ, có thẩm quyền (authoritative parenting) được đưa ra vào đầu những năm 1960 bởi nhà tâm lý học Diana Baumrind.
Đây là một cách hiệu quả để dẫn dắt trẻ mà không cần sử dụng những câu ‘Bởi vì bố/mẹ bảo thế’, khiến trẻ mất lòng tin ở bố mẹ.
Với cách dạy con này, bạn đưa ra những quy tắc và chỉ dẫn mà con bạn cần tuân theo, đồng thời lắng nghe các câu hỏi của con và có những cách kỷ luật hợp lý.
Khi cha mẹ có những quan điểm nhất quán và thường xuyên giải thích lý do cần tuân thủ luật lệ, trẻ sẽ được hình thành những thói quen tốt trong một tâm lý thoải mái.