Sau khi thông tin về tiêu chuẩn 'Răng vẩu, ngực lép không được làm nhân viên ngành đường sắt' được chia sẻ trên mạng, những nhân viên ngành đường sắt cũng chia sẻ muôn nỗi khó khăn và góc khuất của nghề mà không phải ai cũng biết.
‘Nếu một người đẹp hoàn hảo rồi thì chắc họ sẽ tìm công việc khác…’
Dự thảo tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt gần đây nêu nam giới có vòng ngực dưới 80 cm, nữ giới dưới 75 cm sẽ không đủ tiêu chuẩn làm lái tàu, phụ tàu. Những người răng hô (khoảng cách hai hàm xa nhau trên 5 mm), khe hở môi vòm miệng có ảnh hưởng phát âm… cũng không phù hợp với vị trí công việc lái tàu, trưởng tàu... Những quy định này sau khi được chia sẻ trên báo chí và các trang mạng xã hội đã gây ra nhiều tranh cãi.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Mậu Hưng (nhân viên gác chắn tàu) cho biết với thâm niên gần 20 năm trong nghề, anh có rất nhiều câu chuyện, nỗi trăn trở về nghề để rồi mỗi khi nhớ lại anh cũng thấy phục chính bản thân vì đã có thể theo nghề lâu như vậy.
“Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Thế nhưng, đôi khi những người đi đường lại không hiểu được điều đó, ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cách cư xử, thái độ của người đi đường nhiều khi chưa có văn hóa.
Mỗi khi có tàu đến chúng tôi phải đóng hai rào chắn lại, nhưng nhiều người tham gia giao thông lại văng chửi, đánh và bắt chúng tôi mở chắn.
Con trai làm công việc này còn đỡ, chứ thương chị em phụ nữ phải thức thâu đêm, công việc của chúng tôi làm theo ca nên vất vả, nếu không yêu nghề thì sẽ không thể trụ được. Ngành đường sắt hiện nay chẳng như xưa nữa, bây giờ, để mà tìm được những người trẻ đi làm công việc này là một điều rất khó”, anh Hưng bộc bạch.
“Tôi thấy những quy định về sức khỏe trong dự thảo có nhiều điểm hơi quá khắt khe và bất hợp lý. Con người sinh ra ai cũng mong muốn đẹp nhưng bản thân mỗi người không thể tự chọn được, hiện nay phẫu thuật thẩm mỹ cũng thành đẹp hơn.
Nếu một người đẹp hoàn hảo rồi thì chắc họ sẽ tìm công việc khác chẳng hạn như làm tiếp viên hàng không chứ có khi cũng không theo công việc bên ngành đường sắt”, anh Hoàng Mậu Hưng nói thêm về những quy định trong dự thảo.
‘Mong muốn xây dựng bộ tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên sao cho hợp lý…’
Bàn về vấn đề này ông Bùi Thế Thành, Thành viên tổ soạn thảo Dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu cho biết: “Trước hết, với cá nhân tôi việc xây dựng dự thảo Thông tư là điều cần thiết. Bởi đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ trên tàu là lao động thuộc loại nặng nhọc độc hại loại 4, loại 5 nên sức khỏe phải tốt vì thế mà việc xây dựng khung tiêu chuẩn cho nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu là điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn về sức khỏe được đưa ra trực tiếp trong dự thảo thì với chúng tôi những người không có chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe thì không thể đánh giá được tiêu chuẩn đó.
Đối với ngành đường sắt hiện nay, việc tuyển dụng nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu thực tế với doanh nghiệp đang gặp khó khăn, và trong lĩnh vực quản lý nhà nước hiện nay là thực hiện chủ trương của Chính Phủ là hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp để phát triển, vì vậy mà chúng tôi cũng mong muốn, các cơ quan chức năng xây dựng bộ tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên làm sao cho hợp lý.
Nguyên nhân của việc khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân viên ngành đường sắt là do thị phần ngành đường sắt giảm, do cạnh tranh khách hàng với những phương tiện khác, trong đó có phương tiện đường bộ, hàng không, đường thủy… Thị phần giảm thì đời sống của cán bộ, công nhân viên đường sắt sẽ giảm.
Thực tế trong ngành hiện nay có rất nhiều người xin thôi việc hoặc xin chuyển ngành khác do thu nhập thấp và lao động thuộc diện nặng nhọc. Hơn thế nữa, việc đào tạo một lái tàu mất rất nhiều thời gian khiến nhiều người không còn muốn ứng tuyển.
Do những yếu tố trên mà thời gian gần đây, số lượng người ứng tuyển vào ngành đường sắt cũng đã giảm đi rõ rệt. Hiện tại, thị phần vận tải của ngành đường sắt mới chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng vận tải khách toàn ngành”.