“Bản chất của mô hình 'sao đỏ' là tốt. Không thể nói rằng cứ làm 'sao đỏ' trẻ sẽ hình thành sự ảo tưởng quyền lực”, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bình luận.
Sáng 27/11, trao đổi với PV Gia Đình Mới về vấn đề dư luận đang quan tâm là nên duy trì hay dẹp bỏ Đội "sao đỏ" trong các trường học hiện nay, bà Phạm Thị Hạnh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Việc dư luận lo ngại các học sinh tham gia "sao đỏ" sẽ vô tình bị “nhiễm” tính cách của một người có “quyền lực” chỉ là thiểu số, là rất ít trong số hàng trăm “cán bộ sao đỏ” đã và đang tham gia mô hình tự quản này.
Và do là thiểu số, là số ít nên tôi cho rằng phụ huynh và giáo viên, nhà trường khi thấy học sinh nào biểu hiện như vậy thì sẽ định hướng nhẹ nhàng, thẳng thắn để các em hiểu rằng: Được giao nhiệm vụ làm "sao đỏ" là để hỗ trợ nhà trường thực hiện việc quản lý nền nếp, kỷ cương trong trường chứ không có bất kỳ một quyền hành gì có thể hạch sách, bắt bẻ các bạn khác.
Ngay từ khi lựa chọn các học sinh tham gia vào Đội "sao đỏ", Tổng phụ trách Đội đã phải nhắc nhở các thành viên của Đội về tác phong, nhiệm vụ của mình.
Đó là gương mẫu thực hiện nền nếp và hỗ trợ Tổng Phụ trách Đội, nhà trường trong việc theo dõi việc thực hiện nề nếp, kỷ cương của học sinh toàn trường.
Khi phát hiện thấy các bạn vi phạm nội quy, quy định, thành viên của sao đỏ chỉ ghi chép lại, tổng hợp trong tuần và gửi cho Tổng Phụ trách Đội.
Tổng Phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm cũng cần quan tâm tới đội ngũ "sao đỏ", để kịp thời phát hiện những thành viên bị “ảo tưởng sức mạnh”, có những hành động, lời nói gây mất đoàn kết, mâu thuẫn giữa học sinh với nhau, từ đó có sự định hướng lại cho học sinh về vai trò thực sự của “sao đỏ” là gì.
Mọi người nói "sao đỏ" sẽ khiến những đứa trẻ hình thành nên tính soi mói, mách lẻo hay dò xét, tôi nghĩ người lớn đang nâng cao quan điểm về những biểu hiện của một đứa trẻ và gắn cho chúng lý do “vì tham gia sao đỏ ở trường”.
"Sao đỏ" có nhiệm vụ nhìn, quan sát ở khu vực mình được phân công theo dõi. Các bạn ấy quan sát để phát hiện ra những trường hợp vi phạm hay làm tốt chứ không phải soi mói, dò xét.
Như thế là các bậc phụ huynh đang quy chụp không đúng về chính hoạt động mà con mình đang tham gia ở trường.
Lẽ ra, khi thấy con tham gia "sao đỏ", các vị nên quan tâm, hỏi han về nhiệm vụ, vừa động viên con, định hướng con những việc nên và không nên của một "sao đỏ" chứ không phải quy chụp như vậy.