Liên quan đến nhiều ý kiến tranh luận về việc duy trì hay dẹp bỏ mô hình tự quản "sao đỏ" trong nhà trường hiện nay, ông Đỗ Văn Toán, Hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp Tiểu học - THCS - THPT Hermann Gmeiner (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: "sao đỏ" là mô hình tự quản hình thành đã từ rất lâu nhưng cho tới hiện tại vẫn rất cần thiết trong mỗi trường học.
Mô hình này hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong việc tạo nề nếp, kỷ cương, đồng thời cũng giúp học sinh tham gia cờ đỏ có cơ hội luyện khả năng bao quát, hình thành ý thức thực hiện đúng nội quy, quy định ngay từ khi còn nhỏ.
Tôi không đồng tình khi có ý kiến cho rằng, vì tham gia "sao đỏ" nên trẻ hình thành tích cách hách dịch, ảo tưởng “quyền lực”. Bởi thời gian tham gia hoạt động "sao đỏ" chỉ trong 1, 2 năm học, công việc chính của cán bộ "sao đỏ" cũng chỉ dừng lại ở việc quan sát, ghi chép những trường hợp vi phạm nội quy rồi báo cáo lên Tổng phụ trách Đội, chứ các em không được đánh giá hay quyết định học sinh nào ngoan, học sinh nào hư.
Việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh dựa trên sự theo dõi tổng hợp mọi mặt về ý thức, học tập của học sinh đó, cùng với sự tiến bộ của trẻ chứ không phụ thuộc vào việc "sao đỏ" ghi chép.
Chúng ta phải hiểu được, tại sao lại hình thành đội "sao đỏ" trong mỗi trường học? Đó là xuất phát từ mong muốn các học sinh có “khả năng” bao quát, tự quản lẫn nhau. Người lớn đừng nâng cao quan điểm rằng “tại sao những thành viên của "sao đỏ", cũng bằng tuổi con mình, thậm chí kém hơn lại có thể kiểm soát con mình”, hay “trẻ đến trường chỉ để học, sao phải làm việc như một người bảo vệ, giám thị?”…
Chúng ta nên hiểu đơn giản rằng, trong mỗi trường đều đặt ra các chỉ tiêu thi đua về kết quả học tập, về thực hiện nền nếp, kỷ cương, quy định của nhà trường. Thành lập đội "sao đỏ" với sự tham gia của các học sinh vừa để Giáo dục và nâng cao ý thức tự quản của từng học sinh, vừa tạo nên không khí thi đua trong chính các em khi các học sinh thấy rằng, cùng học, cùng chơi, bạn thực hiện quy định rất tốt, tại sao mình lại không thực hiện được?
Thêm nữa, các bậc phụ huynh đừng cho rằng tham gia "sao đỏ" là công việc nặng nhọc, mất thời gian của học sinh. Trên thực tế, các học sinh tham gia "sao đỏ" có cơ hội được luyện khả năng bao quát, khả năng quản lý, lãnh đạo rất tốt về sau. Bởi khi còn nhỏ các em luôn gương mẫu, thực hiện đúng nội quy của nhà trường. Thói quen thực hiện đúng nội quy sẽ giúp các em trưởng thành tốt khi lớn lên.
Trường hợp một số học sinh bị “ảo tưởng quyền lực” chỉ là số ít, thậm chí rất ít. Tôi không cho rằng việc tham gia "sao đỏ" sẽ hình thành tính cách hống hách, “đại ca” bởi thời gian tham gia ngắn, các em không được giao quyền sát phạt hay bắt bẻ các bạn trong trường mà chỉ là quan sát, theo dõi.
Tôi chưa từng nghe tới 1 học sinh nào vì ngày nhỏ làm "sao đỏ" nên lớn lên có tính soi mói, hách dịch nên phụ huynh và dư luận cần nhìn nhận đúng thực tế của hoạt động này.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, mô hình tự quản "sao đỏ" trong mỗi trường học cần được duy trì và phát huy dưới sự hướng dẫn, định hướng đúng đắn của Tổng Phụ trách đội, của giáo viên và của nhà trường. Khi đó, "sao đỏ" thực sự là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong việc hỗ trợ thực hiện nền nếp, quy định của nhà trường.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Hiệu trưởng trường Hermann Gmeiner: Không phải làm 'sao đỏ' trẻ mới ‘hách dịch' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].