Nếu bạn là một người nuôi thú cưng hoặc có chút 'lăn tăn' về quy định 'tiêu hủy chó thả rông' đang làm nóng mạng xã hội những ngày qua, hãy đọc những ý kiến sau đây để hiểu thêm vấn đề tưởng nhỏ mà không hề nhỏ này.
Tâm sự của một bà mẹ có con bị chó thả rông cắn
Tôi sống tại TP. HCM, những ngày này việc bắt chó thả rông đang được bàn tán rầm rộ. Bản thân tôi ủng hộ việc làm này. Không chỉ vì việc chó thả rông rất mất vệ sinh môi trường, mà vì vấn đề an toàn.
Con gái tôi 3 tuổi, có lần ra công viên chơi bị chó cắn. Tôi cân nhắc mãi rồi quyết định cho con đi tiêm phòng dại. Giờ chó dại đầy ra, nhỡ có việc gì…
Con tôi bị chó cắn đã khóc vì đau và sợ hãi, hoảng hốt. Đến lúc cho đi tiêm con lại khóc nhiều hơn. Rồi về nhà con bị nóng do tác dụng phụ của vaccine, nổi mụn nhọt, … khó ăn khó ngủ.
Sau đó con sợ kim tiêm luôn, cứ đi tiêm là khóc, mặc dù trước đó con đi tiêm chủng vẫn cười toe toét. Nghĩ xót con mà càng giận những người nuôi thú cưng vô trách nhiệm!
Việc tiêu hủy chó là ‘cực chẳng đã’
Một cán bộ Chi cục thú y TP. HCM cho biết, hiện TP vẫn phải tiêu hủy những con chó thả rông bị bắt mà sau 72 giờ không có chủ đến nhận.
Việc tiêu hủy được làm có giấy tờ, biên bản đàng hoàng. Không có chuyện trục lợi hay bán ra quán thịt cầy hay những việc xấu tương tự.
Hiện tại TP HCM chưa có trung tâm nuôi chó cơ nhỡ đối với chó thả rông, không có người nhận như một số nước. Động vật quý hiếm như gấu, hổ, báo… thì có trung tâm cứu hộ chứ những con thú nuôi như chó, mèo thì không.
Người dân phản ứng về việc bắt chó thả rông nhìn nhẫn tâm, nhưng thực ra làm gì có cách nào khác?Dùng lưới bắt thì sợ vướng vào những người đi đường, bắt buộc phải dùng dây thừng.
Sau khi bắt, nếu nuôi, giữ thì phát sinh chi phí, phát sinh nhân lực, còn phải lo vấn đề dịch bệnh lây lan sang người nữa. Ngân sách chưa có nguồn chi cho việc này,
Nếu đem những con chó này cho người dân có nhu cầu xin nuôi cũng không đơn giản vì chó đem cho phải được xác định là an toàn.
Do những chú chó này không rõ nguồn gốc, không biết tình trạng bệnh, quá trình tiêm phòng nên cần phải cách ly, theo dõi từ 14 - 21 ngày, nếu chó khỏe mạnh mới đưa tiêm phòng, khi đó mới đảm bảo an toàn.
Hơn nữa, người xin chó chủ yếu chỉ xin chó nhỏ, chó lớn khó thuần dưỡng hơn thì chẳng ai muốn nhận nuôi.
Bác sĩ thú y: Tôi đã từng cấp cứu cho nhiều con thú nhỏ bị chó thả rông cắn
Theo tôi, một quy định chặt chẽ về những điều người nuôi thú cưng cần tuân theo là cần thiết.
Nếu thực hiện đúng, thông minh thì quy định sẽ hiệu quả, đem lại những thay đổi tốt cho cuộc sống. Đó là điều mong muốn của nhà quản lý và cũng là của cộng đồng.
Về quy định ‘mạnh tay’ với chó thả rông, tôi cho là cần thiết. Đa số những người nuôi chó làm thú cưng là có ý thức, nhưng vẫn có một số người không đeo rọ mõm cho chó, để chó xả thải bậy bạ ở nơi công cộng.
Có khá nhiều người nuôi những con chó nhỏ hoặc mèo bị chó to của người khác tấn công. Tôi đã phải cấp cứu nhiều trường hợp như thế.
Thử nghĩ xem, nếu trường hợp này xảy ra với con người thì mức độ nguy hiểm còn đến đâu?