Những ngày gần đây, tranh luận xung quanh việc xử phạt khi thả chó tại nơi công cộng và không đeo rọ mõm cho chó đang nóng hơn bao giờ hết.
Đoạn video sau ghi lại buổi làm việc của các nhân viên bắt chó thả rông đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.
Điểm mà nhiều người chú ý nhất trong đoạn video nói trên, đó là việc chú chó đang ở ngay gần chủ nhưng vẫn bị kéo cổ đem đi nếu không có dây xích hay rọ mõm.
Đối với những người yêu chó, đó không chỉ là một con vật nuôi hay một ‘tài sản’ như trong quy định, mà còn giống như một người thân trong gia đình.
Do đó, từ ‘tiêu hủy’ trong quy định mới đưa ra khiến nhiều người cho rằng điều này quá tàn nhẫn.
Nhìn ra nước ngoài: Chó ở nước ngoài có khác... chó Việt Nam
Có một sự thật rằng càng ở những nước mà thú cưng được bảo vệ thì luật lệ dành cho người nuôi thú cưng càng nghiêm ngặt.
Theo luật pháp Anh, những chú chó được thả ở nơi công cộng mà không có chủ đi kèm, dù là bị thất lạc, bị bắt đi hay bỏ đi, dù đeo vòng cổ hay được gắn chip điện tử, đều bị coi là chó lạc.
Địa phương nơi đó sẽ phải thu nhận chú chó này, và nếu không thể đem trả ngay cho chủ của chúng thì phải đưa đến trung tâm giữ chó lạc, để chủ của chúng có thể đến tìm bất kì lúc nào.
Chủ của chú chó muốn nhận lại có thể phải trả khoản phí trung bình là 25 bảng Anh hoặc hơn nếu trong quá trình ở trung tâm, chú chó này cần được chăm sóc về y tế.
Những chú chó này được giữ trong vòng 7 ngày, sau thời hạn này, chó sẽ thuộc sở hữu của trung tâm và họ có thể giữ lại, tìm chủ mới hoặc tiêm thuốc trợ tử nếu chú chó này được ghi nhận là gây nguy hiểm.
Nếu chủ không đeo vòng cổ gắn tên và địa chỉ cho chó của mình và để chúng đi lạc, họ sẽ có thể bị phạt mức phạt lên đến 5000 bảng Anh.
Đồng thời, nếu những chú chó có hành vi hung hăng, tấn công người khác, hình phạt dành cho chủ của chúng có thể ở mức 5000 bảng Anh và 6 tháng tù giam.
Nếu một chú cún cưng nào ‘phóng uế’ nơi công cộng mà chủ của chúng không dọn dẹp sau đó thì họ sẽ bị phạt ở mức quy định, và trong trường hợp ra tòa, mức phạt có thể lên đến 1000 bảng Anh.
Bên cạnh những chú chó đi lạc, vấn đề chó hoang khiến nhiều quốc gia đau đầu giải quyết. Tại Hà Lan, chính phủ còn đánh thuế cao hơn vào những người mua chó thay vì nhận nuôi chó ở các trung tâm bảo trợ, điều này cũng góp phần khiến người dân quan tâm đến việc nhận nuôi các chú chó bị bỏ rơi hơn.
Nên hay không nên thi hành quy định với chó thả rông?
Trong thực tế, những trường hợp chó, mèo thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường đã xảy ra không ít.
Ngay cả những chú chó hiền lành hoàn toàn có thể trở nên kích động nếu bị trêu chọc bởi những người thiếu ý thức hay các con vật khác.
Yêu thương, đôi khi không chỉ là dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho ai đó, mà còn là đứng ra nhận những trách nhiệm đi cùng tình thương ấy.
Hình ảnh tai nạn ô tô do một chú chó chạy băng qua đường
Những người chủ của thú cưng hoàn toàn có thể chủ động thích nghi với quy định ấy bằng cách đeo vòng cổ ghi địa chỉ và số điện thoại của mình cho thú cưng, phổ biến cho những người xung quanh về quy định...
Việc phản ánh lại thực tế thi hành của quy định, các điểm hợp lý và bất cập… trên mạng xã hội cũng là một trong những cách đóng góp để quy định đi vào cuộc sống một cách hợp tình, hợp lý hơn.
Minh TâmBạn đang xem bài viết Ở nước ngoài, chó thả rông sẽ bị xử lý như thế nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].