Ngủ nhiều, buồn ngủ thường xuyên có phải là bệnh?

Một vài người dường như luôn luôn thiếu ngủ. Họ có thể ngủ nhiều giờ liền, khi thức dậy vẫn thấy mệt mỏi, trong khi những người khác cũng ngủ bằng lượng thời gian đó đã vô cùng tỉnh táo.

Có những người được gọi là "cú đêm" nhưng cũng có người ngủ bao nhiêu cũng không đủ

Thông thường một người trưởng thành cần ngủ từ 7 – 8h/ngày, tuy nhiên, nếu bạn ngủ nhiều hơn lượng thời gian này mà vẫn mệt, hãy xem xét các lý do sau đây:

1. Lý do ngủ nhiều hơn có thể liên quan đến cấu trúc gen

Các nhà khoa học khẳng định những người có kiểu gen nhất định có nhu cầu ngủ nhiều hơn thông thường.

Ronald Chervin, giám đốc của Trung tâm rối loạn giấc ngủ, ĐH Michigan (Mỹ) cho rằng: “Một số người có xu hướng định trước về việc cần ngủ nhiều hơn. Tuy chúng ta không thể thay đổi kiểu gen này, nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát các yếu tố khác liên quan, như điều chỉnh giờ đi ngủ và thức dậy một cách đều đặn”.

Thanh thiếu niên tuổi dậy thì thường có xu hướng ngủ nhiều hơn và khó thức dậy hơn.

“Điều này là do sự liên quan với đồng hồ sinh học, tuy nhiên, thói quen cũng đóng vai trò trong đó” – Chervin cho hay.

2. Ngủ nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn giấc ngủ

Việc bạn khó khăn để thức dậy mỗi sáng có thể liên quan đến chứng rối loạn giấc ngủ.

Hypersomnia, hay “ngủ say như điếu đổ” là một chứng bệnh mà người mắc phải ngủ tới 10 giờ liền nhưng vẫn không thấy đủ.

Họ có thể ngủ 2 – 3 giờ vào ban ngày nhưng vẫn thấy chưa đủ.

Emmanuel H. During, một nhà tâm lý học, thần kinh học chuyên nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Stanford cho biết: “Bạn có thể mắc bệnh này vào bất cứ tuổi nào và chúng tôi chưa hiểu biết nhiều về nguyên nhân gây bệnh”.

Một loại rối loạn thần kinh có tên là hội chứng Kleine-Levin, tên gọi khác là “Hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng”, cũng gây ra nhu cầu cực đoan về giấc ngủ. Người bệnh có thể ngủ 15 – 20 giờ liền, ngủ rất nhiều trong suốt nhiều tuần, chỉ thức dậy để tắm và ăn.

Rất ít người mắc hội chứng này, con số hiện nay là chỉ 1/1 triệu người.

"Hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng" theo câu chuyện cổ tích cùng tên về cô gái ngủ giấc ngủ triền miên, là một dạng rối loạn giấc ngủ chỉ có 1/1 triệu người mắc phải.

3. Sức khỏe tâm thần có thể là nguyên nhân

“Ngủ nhiều là một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Một người có thể ngủ nhiều hơn, thấy buồn ngủ và ngủ tới 10 – 11 giờ mỗi ngày” - H. During cho hay.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ và ngủ quá nhiều.

Ngoài ra, một số loại thuốc chữa trầm cảm có thể khiến bạn thèm ngủ hơn. Hãy yêu cầu bác sĩ tư vấn nếu như nghi ngờ nguyên nhân là do dùng thuốc.

4. Tổn thương não không được phát hiện có thể gây buồn ngủ

Chấn thương não có thể dẫn đến thèm ngủ. Một nghiên cứu cho thấy những người mới bị chấn thương não thường ngủ nhiều hơn những người khỏe mạnh.

Các nạn nhân bị chấn thương cũng được phát hiện thấy có não bộ được cải thiện sau giấc ngủ đủ.

Mất ngủ nghiêm trọng cũng dẫn đến tình trạng thèm ngủ vào thời gian sau đó

5. Bạn vừa thiếu ngủ trầm trọng

Nếu bạn đã thức trắng 1 – 2 đêm, bạn sẽ ngủ bù sau đó.

Tuy nhiên, ngủ bù như vậy thường không giúp bạn đạt được sự tỉnh táo mong muốn.

Ronald Chervin cho rằng mọi người thường  nghĩ việc ngủ giống như là một “khoản quỹ”, nếu ngủ ít vào đêm trước, thì có thể bù lại vào hôm sau. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Ví dụ bạn ngủ bù trong vòng 10 giờ, hiệu quả của việc này chỉ tăng trong vài giờ đầu tiên, sau đó giảm mạnh.

Thu Trang/giadinhmoi.vn

Tin liên quan