Nghề chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp: Lắng nghe từng nỗi đời riêng

Chăm sóc bệnh nhân trở thành một nghề mới của bệnh viện. Nó không chỉ đơn giản là một dịch vụ mà đằng sau đó còn rất nhiều câu chuyện nhân văn khác.

Nắng chiều một ngày tháng 9 hắt xuyên qua tấm rèm cửa buồng bệnh Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Phổi Trung ương. Ông Vũ Văn Thống ngồi bó gối, nghe chị Nguyễn Kim Tuyết đọc báo. Đôi lúc, ông không nghe rõ, quay sang hỏi lại chị Tuyết vừa nói thông tin gì.

Đã nửa năm từ ngày ông Thống nằm đây. Mảnh đạn găm vào phổi khi ông tham gia chiến trường Tây Ninh năm 1969 hành hạ, ông phải phẫu thuật cắt bỏ phổi trái.

Suốt 2 tháng đầu, cô con gái duy nhất của ông phải xin nghỉ làm để chăm sóc bố. Thấy vợ và con vất vả quá, cùng lúc đó thấy bóng dáng sắc vàng của những người làm công việc thay người nhà, ông đề xuất sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh của bệnh viện.

Ông Thống là người bệnh thứ ba chị Tuyết nhận nhiệm vụ chăm sóc từ khi vào đây làm việc. Trước đó, chị từng chăm sóc cho hai cụ bà.

- Cháu chào bà! Cháu là Nguyễn Kim Tuyết, được bệnh viện phân công chăm sóc bà trong quá trình điều trị. Nếu bà gặp phải điều gì, cần cháu giúp đỡ vấn đề gì thì bà cứ bảo với cháu nhé!

- Cháu ở đây thì bà phải nhờ cháu chứ làm gì còn ai nữa…

Đó là một đêm mùa hè, chị Tuyết nhận người bệnh đầu tiên để chăm sóc. Khoác lên mình bộ đồng phục vàng, chị ngại ngùng đẩy cửa bước vào phòng bệnh. Nghe thấy bà cụ 83 tuổi đáp vậy, chị có chút chạnh lòng.

Những ngày trước đó, chị Tuyết hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, khi gặp bệnh nhân lần đầu tiên thì nên hỏi han họ như thế nào, tiếp xúc với họ ra sao để nhọ cảm thấy thoải mái, công việc được suôn sẻ.

“Hỏi thì cứ hỏi còn run thì vẫn cứ run”, chị Tuyết thổ lộ.

Chị đã lên dây cót tinh thần, sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với người bệnh và nóng lòng mong chờ nhân vật chị chăm sóc đầu tiên. Thế rồi, chỉ một câu nói của bà, chị hoang mang tự vấn, mình sẽ vượt qua đêm nay bằng cách nào đây?

“Đã quyết định theo con đường này rồi thì phải cố lên. Tại sao mọi người làm được mà mình lại không làm được?”, chị Tuyết sốc lại tinh thần.

Trước khi vào ca trực kéo dài 12 tiếng, chị gọi điện về nhà. Nghe giọng nói của hai đứa con, một nỗi nhớ cồn cào dâng lên trong chị. Đây là đêm đầu tiên hai đứa nhỏ và chị xa nhau. Dù chỉ cách nhau có vài cây số thôi, lòng chị đang rất gần các con mà sao lại chẳng thể gặp nhau…  

Đêm đó, chị Tuyết chẳng thể ngủ nổi. Chị dõi mắt lắng nghe tiếng thở dài của đêm, nhiều suy nghĩ bủa vây lấy chị.

Không gian im lìm của phòng bệnh thức tỉnh bởi tiếng ho lớn của người bệnh. Hành lang sâu hun hút của khu điều trị huyên náo bởi sự đi lại không ngừng.

Cuối cùng, một đêm trực dài thườn thượt trôi qua.

Bà đã không có một đêm ngon giấc. Còn chị, chị đã có một đêm trực không như ý. Chị chào bà, lững thững ra về mà lòng ngổn ngang suy nghĩ, làm thế nào để hai bà cháu gần gũi nhau hơn.

Để xoá nhoà khoảng cách giữa hai bà cháu, chị Tuyết chủ động mở lời nói chuyện. Chị tâm sự với bà về bản thân mình, về gia đình mình và hỏi xin ý kiến bà về một số vấn đề trong cuộc sống.

Ngay cả chuyện chị thấy nản lòng và dễ bỏ cuộc khi bắt đầu với công việc này, chị cũng chia sẻ với bà. Bà động viên: “Cháu làm gì cũng phải cố gắng”.

Trước khi vào Bệnh viện Phổi Trung ương làm việc, chị Tuyết bất an: Tiếp xúc với người bị lao phổi có bị lây hay không? Chị đã tìm hiểu bệnh lao phổi là gì? Triệu chứng ra sao? Lây lan như thế nào? Cách phòng và điều trị bệnh?

“Điều này vừa giúp tôi có kiến thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh lại vừa giúp tôi hiểu tâm lý người bệnh đang trải qua”, chị Tuyết bộc bạch.

Thời gian đầu cụ bà nằm viện, chưa có chẩn đoán chính xác bà có bị lao phổi hay không. Nhìn thấy chị Tuyết đeo khẩu trang, đi găng tay khi chăm sóc, bà tỏ vẻ không thích.

Cảm nhận được điều đó, chị Tuyết tỉ tê giải thích rằng, vì chưa có kết luận từ bác sĩ, nếu được, bà nên giữ gìn cho cháu cũng như những người xung quanh. Rồi bà nghe ra, bà không giận chị nữa.

Sáng nào cũng vậy, đến gặp ông Thống, chị Tuyết cũng đều đặn chào hỏi: "Đêm hôm qua ông có ngủ được không ạ? Có vấn đề gì khiến ông khó ngủ không ạ?"

Chiều đến, ông Thống đi lại được nên ra ngoài lau người thay vì phải nằm tại chỗ như nhiều người bệnh. Chị Tuyết ân cần dìu ông từ phòng bệnh ra nhà vệ sinh cuối hành lang.

Gắn bó với ông Thống được khoảng 4 tháng nhưng với những việc tế nhị, ông đều tự làm hoặc nhờ người thân thiết làm giúp. Sau khi giúp ông lau phần thân trên, chị lặng lẽ ngồi bên ngoài đợi ông. Làm điều gì, chị cũng hỏi ý kiến của ông.

5 phút sau, thấy bóng dáng ông lục tục xuất hiện, chị Tuyết nhanh nhảu đi tới, đưa cánh tay ra làm điểm tựa cho ông. Chị ghi nhớ đầu gối ông có mảnh đạn nên khi đứng lên ông phải nghỉ một lúc rồi mới đi tiếp được. Hai ông cháu chậm rãi xuôi theo hành lang bệnh viện, trở về buồng bệnh.

Ông Thống kể, ngoài chăm sóc bình thường, chị Tuyết còn hướng dẫn và tập luyện cho ông cách để không bị xẹp phổi, vận động tay chân nhẹ nhàng…

- Ông ơi, đến giờ ông phải uống thuốc rồi ạ. Cháu lấy thuốc cho ông uống nhé! Ông cố gắng để mau được ra viện…

Nghe câu nói nhẹ nhàng của chị Tuyết, ông Thống vui vẻ đón lấy thuốc uống uống theo chỉ định của bác sĩ.

“Tôi rất thích cách chăm sóc của cháu Tuyết. Nó phải làm nhiều việc lắm mà việc nào cũng đâu ra đấy”, ông Thống chia sẻ.

Ông Thống cũng quan tâm chị Tuyết bằng những nhắc nhở đời thường của người ông với người cháu. Nếu trực chăm ông vào ca đêm, thấy chị lâu chưa ngủ, ông Thống lại nhắc nhẹ: “Cháu tranh thủ ngủ đi!”

Với người bệnh không nhận được sự đồng tình trong cách chăm sóc của chị, chị chủ động lên tiếng rằng, nếu ông/bà thấy chưa hài lòng cháu ở điểm gì thì ông/bà cứ nói với cháu, cháu sẽ sửa. Hành động đó của chị đã hoá giải khoảng cách giữa chị và người bệnh.

Chị Tuyết chia sẻ, ngoài kỹ thuật chăm sóc, bệnh nhân và người nhà họ rất coi trọng thái độ phục vụ. Nên những người làm công việc chăm sóc người bệnh như chị luôn cần chu đáo, nói năng nhẹ nhàng, hiểu tâm lý bệnh nhân, và như một người bạn thân, trò chuyện, động viên họ hằng ngày.

Khi bác sĩ khám mà gia đình người bệnh vắng mặt, chị Tuyết sẽ ghi lại những điều bác sĩ dặn, rồi nhắn tin hoặc điện thoại cho người nhà ông. Hằng ngày, chị cập nhật tình hình của ông Thống cho gia đình ông, nên dù không có mặt, người thân ông vẫn biết sức khỏe của ông ra sao.

Chị Tuyết kể, có nhiều người nhà tâm lý và tôn trọng những người làm công việc chăm sóc như chị Tuyết. Chị cảm nhận được họ coi chị là một người lao động bình đẳng, có trình độ chứ không phải chữ “osin” như rất nhiều người nhìn vào công việc chị đang làm.

Chăm sóc cụ bà 83 tuổi trong 10 ngày, nhận được thông báo từ bác sĩ, bà không bị lao. Hai bà cháu nhìn nhau, không giấu nổi niềm vui. Ngay khi nghe tin, chị gọi điện về cho người nhà của bà. Chị cảm nhận được sự vui mừng lây lan từ đầu dây bên kia.

Bà nằm 12 ngày thì được xuất viện về nhà. Ai cũng vui mừng nhưng hai bà cháu thấy hụt hẫng. Đến bây giờ, khi nhắc đến bà, nỗi nhớ trong chị dâng lên.

Hơn 1 tháng nữa, có thể ông Thống sẽ được ra về. Đang lau người cho ông, nghĩ đến việc phải chia tay ông, chị Tuyết nghẹn ngào.

Nhìn lại hơn 4 tháng làm công việc chăm sóc người bệnh, chị Tuyết vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn của mình.

Tốt nghiệp Cao đẳng Y Hưng Yên năm 2015, chị Tuyết làm việc cho một trung tâm thẩm mỹ. Suốt 2 năm làm việc tại đây, chị nghĩ, tại sao mình học y mà mình lại không thử sức làm việc trong môi trường y tế xem như thế nào. Nghĩ là làm, được sự động viên từ gia đình, người thân và bạn bè, chị tham gia học lớp định hướng chuyên khoa lao của Bệnh viện Phổi Trung ương.

Chị Tuyết tình cờ học cùng lớp với một người trong “biệt đội áo vàng”. Chị tò mò không biết công việc của họ như thế nào. Sau một thời gian tìm hiểu về công việc ấy, chị thấy nó có ích với người bệnh đồng thời cũng giúp chị thoả ước nguyện làm việc trong một môi trường y tế. Chị nộp đơn và được nhận vào làm việc.

Chị làm việc theo ca 12 tiếng, ca đêm từ 19 giờ hôm trước tới 7 giờ hôm sau. Ca ngày từ 7 giờ đến 19 giờ. Nếu làm ca đêm, chị có thể về kịp giờ đưa hai đứa nhỏ của chị đi học, làm việc nhà, nấu ăn và đón con. Nếu làm ca ngày, buổi tối chị dạy con học, chơi với con và ngủ.

Công việc này giúp chị Tuyết trân trọng từng khoảnh khắc được ở bên gia đình. Chị chăm chút bữa cơm cho gia đình sau mỗi ca trực đêm hay vào ngày nghỉ ít ỏi. Mỗi ngày qua đi, chị mong chờ sự hài lòng từ phía người bệnh và người nhà, và nụ cười của chồng, con, bố mẹ.

Ông Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, cho biết: "Chúng tôi đặt ra yêu cầu người thân của người bệnh chăm sóc và thể hiện tình cảm với người bệnh thế nào, thì nhân viên thay thế họ phải coi người bệnh như chính người thân của mình.

Nhân viên sẽ chăm sóc toàn diện: Trông nom người bệnh tại bệnh viện (hoặc tại nhà); giám sát lịch uống thuốc, hỗ trợ người bệnh uống thuốc theo hướng dẫn; hỗ trợ vệ sinh cho người bệnh; hỗ trợ ăn uống hằng ngày; đỡ người bệnh đi lại, xoa bóp, thay đổi tư thế để người bệnh thấy thoải mái. 

Nhân viên còn có nhiệm vụ động viên tinh thần người bệnh, đọc sách, đọc báo, nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, đi dạo, gọi điện thoại cho gia đình người bệnh (nếu cần). Đặc biệt, người bệnh có thể được chọn chăm sóc theo giờ hay theo ngày, tháng, tại nhà hoặc tại bệnh viện, tùy theo nhu cầu và điều kiện."


Tin liên quan