Bỏ phố về quê: Trào lưu hay xu hướng sống bền vững của người trẻ?

Nhiều người trẻ chọn rời thành phố, về quê làm nông, khởi nghiệp, làm việc từ xa hay đơn giản chỉ để sống chậm lại. Họ không theo trào lưu hay muốn làm giàu nhanh chóng, điều họ hướng đến là một cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Lê Thị Thủy (23 tuổi), từng có công việc văn phòng ở Hà Nội, đã quyết định về quê ở Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa sau đợt dịch Covid-19. 

Thời gian đầu về em cũng khá lo lắng, nhưng em nghĩ nhất định phải tìm được việc gì đó ở quê hương”, Thủy tâm sự.  

Lê Thị Thủy (Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa).

Lê Thị Thủy (Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa).

Thủy bắt tay vào làm ruộng, trồng sắn dây kết hợp với làm các video về rừng núi, canh tác nông sản và thu hái sản vât từ rừng. Sau bốn năm bỏ phố về quê, Thủy đã có thu nhập ổn định từ việc trồng sắn dây và bán các sản phẩm nông sản qua mạng.

Thủy nói, cuộc sống của cô giờ đây có thể gọi là khá thoải mái. Tuy không giàu có nhưng cô thấy mình chủ động, tự do hơn nhiều so với khi ở thành phố. 

Ở quê giá cả rất rẻ, không khí yên bình, cảm giác thư giãn, không ngột ngạt như ở thành phố. Mình có thể sống đơn giản, không phải bon chen. Ăn uống thì tự nuôi trồng, an toàn hơn”, Thủy chia sẻ.

Bỏ phố về quê không phải vì “trào lưu” 

Thành phố từng là đích đến của Thủy, cũng như nhiều người trẻ khác: công việc tốt, thu nhập cao, nhịp sống năng động. Nhưng không phải ai cũng hợp với guồng quay đó.

Ở thành phố, cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu tốn kém: Tiền nhà, ăn uống, đi lại, giải trí, chăm sóc sức khỏe… hầu như mọi thứ đều đắt đỏ. 

Ở thành phố, người trẻ dễ dàng bị kéo vào guồng quay hối hả và luôn có cảm giác không bao giờ đủ: Không đủ giỏi, không đủ nhanh, không đủ giàu. Nhiều người trẻ ở thành phố cảm thấy lạc lõng, thiếu kết nối: “Lúc nào xung quanh cũng có người,  nhưng vẫn rất cô đơn”.

Có thể thấy, không chỉ những người “có tuổi”, mà người trẻ cũng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần, chất lượng sống và sự kết nối thực. Đó là lý do họ chọn rời phố, quay về với thiên nhiên, gia đình, với sự giản dị và bình yên. Họ chọn ăn chậm, nghĩ ít, tiêu dùng có chọn lọc và làm việc với mục đích rõ ràng.

Và quan trọng nhất, họ cảm thấy tự do, tự do về thời gian, thoải mái về không gian, tự do trong tâm trí – thứ mà nhiều người ở phố vẫn đang đi tìm.

Bỏ phố về quê sống, Thủy cảm thấy hạnh phúc hơn.

Bỏ phố về quê sống, Thủy cảm thấy hạnh phúc hơn.

Đặng Huy (28 tuổi), từng là nhân viên thiết kế ở TP. Hồ Chí Minh, giờ đang sống ở huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk, làm rẫy cà phê và trồng thêm cây ăn trái. 

Mình cảm thấy dễ thở”, Huy nói: “Không còn cảnh sáng mở mắt là vội, tối về chỉ muốn nằm dài, lướt điện thoại đến mờ mắt. Ở đây, mình được sống đúng nhịp của mình”.

Huy có nhiều bạn bè cũng lựa chọn bỏ phố về quê. Họ vẫn làm việc online, kinh doanh nhỏ, trồng trọt, mở quán cà phê hoặc homestay. Họ vẫn phải kiếm sống, nhưng chủ động hơn, thư thả hơn so với khi ở thành phố. 

Nhiều người nói, về quê sống họ cảm thấy tự do hơn.  

Tự do ở đây không phải là bỏ hết mọi ràng buộc, mà là được chọn cách sống phù hợp với bản thân – không chạy theo kỳ vọng của xã hội.  

z6473667446077_3a08b4f549e4bb83b1f347f5049d1d69

Tự do đến từ lối sống tối giản

“Nhiều người đang theo đuổi lối sống tối giản, nhưng khi bạn ở thành phố lớn, điều đó không dễ dàng”, Đặng Huy phân tích. “Ở quê, muốn sống tối giản sẽ …đơn giản hơn nhiều”.

Huy nói, ngoài việc làm vườn, anh không có thú vui nào đặc biệt. Hàng ngày đi dạo trong vườn, ngắm cây cối, rồi tập thể dục. Anh tự trồng, tự nấu nướng, ít đi ăn ngoài, nhưng anh thấy mình khỏe hơn, đầu óc nhẹ nhõm, cơ thể khỏe khoắn ít bệnh tật. 

Trước đây, anh đã từng thử sống tối giản giữa thành phố: Ít tiêu xài, ít gặp gỡ, ít giải trí nhưng cảm giác vẫn rất tù túng. 

Vậy mà khi về quê, làm vườn mỗi ngày, dù có những khoảng thời gian cũng không ra ngoài hay gặp gỡ ai, cũng chẳng tiêu xài gì, nhưng anh vẫn luôn thấy tự do và thoải mái. 

Y hệt như cảm giác khi người ta đạt được “tự do tài chính”, Huy chia sẻ. “Điều tuyệt nhất là, những nhu cầu của mình như mua sắm, chơi bời… cũng tự nhiên giảm đi rất nhiều. Vậy là đủ thấy tự do hơn rồi”.

Có người trẻ bỏ phố về rừng vì muốn khởi nghiệp, làm giàu, đôi khi vì hoàn cảnh bắt buộc, thậm chí là vì trào lưu, nhưng với một số người, đơn giản đó là lựa chọn của họ. Chọn một cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng hơn. 

Trong một thế giới ngày càng vội vã, có lẽ mong ước “sống chậm” là một lựa chọn lành mạnh của những người trẻ không muốn bản thân bị lạc lối bởi những kỳ vọng và áp lực vô hình từ xã hội. 

Kiều Giang

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: toasoan@giadinhmoi.vn 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính