Mùa Vu lan báo hiếu, không thể bỏ qua những cuốn sách này

Mùa Vu lan báo hiếu này, Gia Đình Mới giới thiệu tới quý độc giả những câu chuyện về tình mẫu tử, phụ tử chưa bao giờ khiến tâm hồn ta thôi thổn thức.

1. Hãy chăm sóc mẹ

Nhẹ nhàng, lắng đọng và buồn đến nao lòng, nhà văn Shin Kyung-sook đã viết câu chuyện xúc động về một người mẹ giản dị, mộc mạc với đức hy sinh lớn lao và tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình.

‘Hãy chăm sóc mẹ’ mở ra bằng hình ảnh bà mẹ bị lạc tại ga tàu điện ngầm lúc bà cùng người chồng già lên thăm cậu con cả ở Seoul.

Lúc này, cả gia đình hỗn loạn đi tìm một tấm ảnh để dán lên tờ rơi thông báo tìm người lạc, nhưng đó cũng là khi họ phát hiện ra rằng, trong ngôi nhà chẳng hề có bất cứ tấm ảnh tử tế nào có thể dùng cho việc đó.

 

Trong những tấm ảnh gia đình, một điều lạ mà bấy lâu nay họ không để ý, đó là bóng dáng người mẹ của họ, lúc nào cũng chỉ nhạt nhòa đứng phía sau.

Cuộc hành trình tìm mẹ với nhận dạng: ‘Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be’ khó khăn hơn bao giờ hết.

 

1 tuần, 1 tháng trôi qua trong biết bao lắng lo của những đứa con giúp họ nhận ra, bấy lâu nay, họ cứ lao đi như con thiêu thân trong vòng xoáy mưu sinh mà quên mất sự có mặt của người mẹ.

Những cãi vã, mâu thuẫn nảy sinh giữa anh em trong gia đình tăng lên theo hy vọng mong manh tìm được mẹ. ‘Mẹ đang ở đâu và liệu mẹ còn sống?’ là câu hỏi dứt day với mỗi đứa con.

 

Tất cả đều không thể hiểu được tại sao một người như bà lại có thể lạc, và tại sao bà không tự biết hỏi đường để quay về nhà cậu con cả, cho đến khi mọi người phát hiện ra sự thật: bà không hề biết chữ và bà bị bệnh ung thư vú khiến cho đầu óc không còn minh mẫn như những người già cùng tuổi.

Đây không còn là hành trình tìm mẹ nữa mà với mỗi đứa con, đó là con đường nhìn lại quãng thời gian ngắn ngủi sống bên người mẹ yêu dấu, những yêu thương mà họ đã vô tình để lỡ…

Tất cả như một thước phim quay chậm dội vào lòng người đọc biết bao suy ngẫm về tình mẫu tử.

 

2. Ba ơi, mình đi đâu?

‘Ba ơi, mình đi đâu’ là món quà mà tác giả người Pháp Jean – Louis Fournier muốn gửi tới tất cả những ông bố bà mẹ có con tật nguyền.

Đó cũng là một câu hỏi quá đỗi bình thường với bất kì đứa trẻ nào.

 

Nhưng với hai cha con nhân vật chính, đó lại là tất cả. Tất cả cho họ thấy họ còn có cơ hội được như bao người khác. Nhưng cũng cho họ thấy, họ vĩnh viễn là người mang ‘thẻ tật nguyền' màu cam.

Một người cha Fournier đầy kiên nhẫn bên 2 đứa con trai bị tật nguyền, chỉ để giải đáp câu hỏi của đứa con chẳng biết làm gì ngoại trừ liên tục hỏi câu duy nhất lặp lại ‘Ba ơi, mình đi đâu?’ và lắng nghe một Mathieu suốt ngày chỉ kêu ‘brừm brừm’ vì tưởng mình là động cơ.

 

Đọc ‘Ba ơi, mình đi đâu?’, phụ huynh nào cũng thấy mình trong đó với những bực dọc khi con hư, những tức giận khi con mè nheo và những câu tương tự ‘nếu như Thomas và Mathieu là những đứa trẻ bình thường…', nhưng trên tất cả là việc đối mặt với thực tại cùng sự yêu thương, dỗ dành và bao dung.

Và 'Để các con khỏi bị bỏ quên và không chỉ là tấm hình ghim trên thẻ khuyết tật; để viết trên giấy trắng mực đen những điều thầm nghĩ mà ba chưa từng thổ lộ cùng ai và nhất là để xin lỗi các con đã ra đời không được vuông tròn'.

3. Totto-chan bên cửa sổ

Tottochan – Cô bé bên cửa sổ là cuốn tự truyện của Tetsuko Kuroyanagi, mà ở đó nổi bật lên tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn và cách đối xử tốt đẹp giữa người với người.

 

Totto-chan sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, có cha là nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ, nhà em còn nuôi con chó lớn tên Rocky.

Vừa lên lớp một, Totto-chan đã bị đuổi học vì quá nghịch ngợm. Mẹ quyết định chuyển em tới ngôi trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.

Tại đây, Totto-chan cùng 50 em học sinh khác đã có một tuổi thơ không bao giờ quên, dưới sự ảnh hưởng của một nền giáo dục kì lạ mà tuyệt vời.

 

Ngôi trường có những toa xe điện được dùng làm lớp học, ngôi trường có những giờ học bắt đầu bằng bất cứ môn học nào các bạn thích, ngôi trường có thầy hiệu trường Kobayashi đã ngồi nghe Totto-chan kể chuyện trong 4 tiếng đồng hồ liền vào ngày đi học đầu tiên…

Những câu chuyện đều được gợi lên rất chân thật, đời thường, gần gũi và đáng yêu. Tất cả đều được miêu tả và kể lại dưới lăng kính của một cô bé 6 tuổi vô cùng ngây ngô, tinh nghịch, với những niềm vui và nỗi buồn rất trẻ con, rất riêng và rất đáng trân trọng.

Đọc ‘Totto-chan bên cửa sổ’ để thấy được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con, cho dù con có khó bảo, ngang bướng và hết-thuốc-chữa như cô bé Totto-chan.

4. Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ

 

Mỗi thứ 3 hằng tuần, cô bé Uy Nyung với những loay hoay của tuổi thanh xuân đều nhận được một lá thư từ người mẹ của mình.

Những lá thư luôn mở đầu bằng ‘Uy Nyung à’ và kết thúc bằng ‘Chúc con một ngày tốt lành’.

Không phải ngẫu nhiên mà mẹ Uy Nyung gửi những bức thư chan chứa nỗi niềm, sự ưu tư của một người mẹ có đứa con gái đang tuổi dậy thì. Chỉ vì, đó là những vấn đề thật khó đối thoại trực tiếp với con của mình.

 

Bằng cách này, người mẹ đã khéo léo gửi tới con gái mình những bài học nhưng không bằng cách giáo điều, ép buộc. Bà kể về những kỷ niệm mình đã trải qua như một nhịp cầu nối giữa hành trình trưởng thành mẹ đã trải qua với sự lớn lên mỗi ngày của con.

Đó là những rủ rỉ đầy yêu thương của mẹ gửi đến Uy Nyung với mong muốn con hoàn thiện bản thân mình hơn mỗi ngày.

Mẹ cho phép con phát triển tự do trong thế giới của riêng con: ‘Uy Nuyng, mẹ hy vọng con hãy dành những ngày tháng tuổi trẻ để suy nghĩ xem con sẽ trở thành người như thế nào, sống cuộc sống ra sao, rồi mới chân nhắc đến chuyện con sẽ là ai. Vì câu trả lời sẽ nằm trong quá trình đó thôi’.

5. Mẹ, thơm một cái

 

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, bắt đầu quá trình trị liệu đầy tốn kém. Gia đình lúc đó còn nợ đến 5 triệu nhân dân tệ.

Cửu Bả Đao vì kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ đã viết cật lực, vừa vào viện chăm sóc mẹ vừa viết 5000 – 8000 chữ mỗi ngày, mỗi tháng xuất bản 1 quyển sách. Sau 14 tháng, mẹ khỏi bệnh, 14 quyển sách cũng ra đời và quyển thứ 14 chính là 'Mẹ, thơm một cái'. 

‘Mẹ, thơm một cái’ là những trang nhật ký ghi chép lại cả nhà bên nhau đoàn kết, cùng vượt qua biến cố.

 

Ngày mẹ được bác sĩ thông báo bệnh tình, đỏ hoe mắt đạp xe đạp về nhà thấy bố đã khóc đầm đìa từ lâu. Lúc mẹ nhập viện, bà nội xuống bếp nấu không ra bữa ăn mới nhận ra cô con dâu mình bấy lâu nay chu đáo thế nào.

Trong khoảng thời gian đồng hành cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh là lúc cả nhà thấy hối hận vì trước giờ thản nhiên chấp nhận sự hi sinh của mẹ, từ đó trở nên dựa dẫm, ỷ lại.

Đến con chó Puma già trong nhà, không có mẹ cũng trở bệnh sắp chết….

‘Mẹ, thơm một cái’ là một lời khuyên nhỏ nhẹ của Cửu Bá Đao với độc giả, là lời thức tỉnh những đứa con.

Hãy yêu thương và quý trọng mẹ hơn, chỉ từ cái ‘thơm một cái’ rất giản dị nhưng chan chứa niềm hạnh phúc của tình mẫu tử.

6. Mẹ ơi, con sẽ lại về

 

Cuốn sách là những mẩu nhật kí ngắn của người mẹ trong suốt quãng thời gian từ khi mẹ bắt đầu học viết chữ, đến tận khi sắp từ giã cõi đời.

Từ chuyện chăm sóc, dạy dỗ từng đứa con của mình, đến cả câu chuyện về khu vườn, cái tủ lạnh, việc nhặt quả dầu, tiệm cắt tóc, con cá minh thái, chiếc bắp cải, việc nấu tương hàng năm…

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, mối quan tâm duy nhất trong mọi câu chuyện của mẹ đều là những đứa con. Chúng có được ăn no không, có bị lạnh không, có vui vẻ hạnh phúc không…

Thậm chí có không ít lần mẹ dằn vặt mình vì tuổi già mà làm khổ các con, dằn vặt mình vì quá khứ đã từng làm mất một sinh linh bé bỏng.

 

Đây là cuốn sách cảm động viết về tấm lòng của người mẹ, về nghị lực và sự vươn lên phi thường của người phụ nữ Hàn Quốc.

‘Mẹ, con sẽ lại về’, độc giả tìm thấy mình ở đó với những câu chuyện về sự thành, bại trong công việc, cuộc sống. Để rút ra những bài học nằm lòng:

‘Đừng bao giờ tở ra tài giỏi ở bất cứ đâu cũng như trước mặt bất kỳ ai. Phải luôn sống khiêm nhường. Khi gặp cảnh khó khăn không được nản lòng mất hy vọng. Cũng đừng dánh mất sự vững vàng và niềm tin của chính mình.

Phải như thế thì mới không bị người khác xem thường. Đặc biệt phải cẩn thận khi đã thành công. Những lúc như vậy càng phải biết nhìn lại những ngày khó khan đã qua và nghĩ về những khổ nạn có thể đến bất cứ lúc nào sắp tới mà chú ý giữ mình hơn’.

An Vy /giadinhmoi.vn