Thay vì mua cho con đồ chơi sắc nhọn, nhỏ tròn, nhiều cha mẹ lựa chọn loại đồ chơi mềm dẻo làm từ mút xốp với hy vọng không gây nguy hại cho con. Nhưng thực tế, những món đồ chơi dẻo lại làm trẻ ngộ độc.
Chị Thanh Bình (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chọn mua cho cậu con trai 7 tuổi bộ xếp hình, ô tô chạy bằng pin và cô con gái 3 tuổi đèn lồng cá chép chạy bằng pin.
Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng chị Bình có thấy thông tin về việc trẻ chơi đồ chơi bằng pin và bị phát nổ, gây thương tích nặng.
“Để phòng nguy hiểm xảy ra với con, năm nay tôi chọn đồ chơi an toàn hơn, những món đồ chơi mềm dẻo bằng mút xốp với những hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Khi tôi mua về các con rất yêu thích. Đặc biệt, cô con gái nhỏ khi nhìn thấy con thỏ trắng mềm mềm, những chiếc bánh làm từ mút xốp, có mùi thơm trông như thật để dùng chơi đồ hàng làm con thích thú.
Tuy nhiên, điều tôi không ngờ đến là vì hình thù đồ chơi như thật, có mùi thơm nên bé hay bỏ vào miệng cắn dù mẹ đã dạy nhiều lần đây chỉ là đồ chơi.
Đến một ngày con liên tục ho, khò khè, khó thở, kèm theo mệt mỏi tôi mới biết được loại đồ chơi mềm dẻo này chứa độc tố và gây bệnh cho con” – chị Thanh Bình tâm sự.
Cách đây khoảng 1 tuần, một bé gái người Anh cũng đã gặp tai nạn với món đồ chơi dẻo tỏa hương thơm.
Theo lời kể của gia đình bé thì trong lúc đang cầm và bóp món đồ chơi dẻo trên tay thì bỗng dưng món đồ phát nổ và bên trong chảy ra dịch lỏng.
Điều nguy hiểm là chất lỏng này chảy vào tay của bé khiến các ngón tay của bé bị bỏng rát và bắt đầu phồng rộp lên.
Khi đến bệnh viện thăm khám bác sĩ cho biết các nốt phồng rộp, mụn nước này là do bé bị bỏng chất hóa học.
Rất nhiều cha mẹ cứ tưởng chỉ có đồ chơi sắc nhọn, tròn nhỏ mới gây nguy hiểm cho các bé, mà ít người ngờ rằng còn có một loại đồ chơi dạng mềm dẻo, tỏa hương thơm làm từ mút xốp cũng độc hại và nguy hiểm không kém.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, trường ĐHKHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội, đa phần những sản phẩm tạo hương thơm đều sử dụng hương công nghiệp. Các loại hương nhân tạo này thường được tạo bằng hóa chất tạo mùi như aldehyde, cetol...
Và những chất định hương, giữ mùi trên sản phẩm đều có khả năng gây độc hại. Khi người dùng hít vào cơ thể, chúng có thể gây nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng hệ thần kinh.
Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp xúc với các loại hương thơm nhân tạo liên tục trong một thời gian dài có thể tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, gây bong tróc niêm mạc, giảm khả năng khứu giác, thậm chí nếu kéo dài có thể nguy hại đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, khi người lớn chọn lựa đồ chơi cho con trẻ, bất kỳ ở độ tuổi nào cũng cần phải đảm bảo 3 tiêu chí gồm: Đồ chơi phải phát huy được trí tuệ của trẻ; Phải đáp ứng được sự vui thú của trẻ; Đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cha mẹ không nên cho con dùng các loại đồ chơi phát sáng nhất là những ánh sáng màu và cường độ ánh sáng mạnh, thay đổi liên tục vì những ánh sáng này có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, gây nhức mỏi mắt, chảy nước mắt thậm chí nếu tiếp xúc lâu có thể làm giảm thị lực của trẻ.
Cũng không nên chọn các loại đồ chơi có mùi thơm, đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ, màu sắc sặc sỡ. Bởi những loại đồ chơi này dễ khiến trẻ bị ngộ độc hóa chất, mắc dị vật đường thở…
Với những đồ chơi dẻo, hình thức bắt mắt đã từng được cơ quan Hóa học Châu Âu cho rằng chất này có thể phá hoại khả năng sinh sản và làm ngứa mắt nghiêm trọng. Chất độc còn có thể ngấm vào bào thai, gây hại cho cả mẹ và bé.
Để không gây hại cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi chọn mua đồ chơi cho con. Tốt nhất nên chọn đồ chơi của các hãng sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo các tiêu chí an toàn cho trẻ.