Mẹ dùng lòng trắng, lá thuốc, khoai tây... đắp vết tiêm, con có thể lãnh đủ hậu quả

Hiện nay sau khi tiêm mũi tiêm chủng, một số mẹ theo kinh nghiệm dân gian đã dùng đắp lòng trắng, lá thuốc, khoai tây... để đắp vết thương cho trẻ.

Trong thông tin chia sẻ những điều lưu ý để tiêm chủng an toàn cho trẻ, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều bà mẹ khi còn đi tiêm phòng về liền đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây... để trẻ không sốt, vết tiêm không sưng đau.

Mặc dù khi đắp chanh, lòng trắng trứng gà, khoai có thể làm dịu đi một số phản ứng sau tiêm nhưng nó lại rất nguy hiểm.

Vì lúc này chỗ tiêm là vết thương hở, trong khi đó những đồ đắp có thể có vi khuẩn. Nếu vi khuẩn thâm nhập vào vết tiêm thể gây ra tình trạng nhiễm trùng tại chỗ dẫn đến nhiễm trùng huyết. Lúc trẻ xảy ra nhiễm trùng huyết, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.

Cha mẹ cũng nên không đắp bất cứ loại thuốc lá nào hay dùng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.

PGĐ Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng cho biết, phản ứng sốt nhẹ, sưng đau sau tiêm chủng là hoàn toàn bình thường.

Hầu hết các phản ứng của vắc xin là nhẹ và tự khỏi. Do vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch nên các phản ứng tại chỗ: sốt, sưng, nóng, đỏ, đau sẽ tự khỏi. Tai biến nặng là rất hiếm. Vì thế, cha mẹ không cần quá lo lắng.

Theo bác sĩ, để phòng tránh nguy cơ phản ứng sau tiêm cha mẹ lưu ý:

Trước tiêm chủng: Gia đình cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ/phiếu tiêm chủng. Theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ và thông báo với cán bộ y tế tiền sử bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ/phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm chủng trước.

Khi tiêm chủng, gia đình cùng cán bộ y tế theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng.Thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, tại vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban …sau khi theo dõi tại nơi tiêm chủng 30 phút.

Khi về nhà, cha mẹ tiếp tục theo dõi trẻ thêm 1-2 ngày. Người theo dõi trẻ phải là người lớn trưởng thành và biết chăm sóc trẻ con. Trẻ cần phải được theo dõi thường xuyên đặc biệt là vào ban đêm...

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, sau tiêm vắc xin cần theo dõi tinh thần, trạng thái ăn – ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ sưng, đỏ, trẻ khóc, khó chịu, nôn trớ...

Trẻ có những biểu hiện sau cần đưa sớm đến cơ sở y tế: Sốt cao trên 39 độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; tri giác trẻ bất thường, quấy khóc, lờ đờ đưa con đi ngay để sớm. Nếu để trẻ quấy khóc dai dẳng, vật vã, khó thở, da nổi thâm tím, chi lạnh thì kết quả điều trị sẽ hạn chế. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý những bất thường của trẻ để xử lý sớm nhất.

Ngoài ra, "cha mẹ lưu ý không tự ý dùng thuốc, phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo, không nên dùng các loại thuốc lá, cây cỏ… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế, dùng thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Ngoài ra bác sĩ khuyến cáo: “Cha mẹ chú ý cho trẻ ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú, không ăn khi nằm. Khi trẻ đang mệt mỏi, cha mẹ cho trẻ bú quá nhiều có thể khiến trào ngược, nguy cơ sặc rất cao.

Sặc có thể là nguyên nhân gấy tắc nghẽn đường thở và dẫn tới tử vong khiến nhiều cha mẹ hiểu nhầm đó là phản ứng sau tiêm. Trong khi đó, phản ứng sau tiêm chỉ xuất hiện trong vài một vài giờ từ lúc trẻ mới tiêm xong”.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan