Nhiều “cán bộ sao đỏ” ở trường mang cả “quyền hành” về nhà rồi soi mói, bắt bẻ cả những bạn bè đồng trang lứa, thậm chí xét nét cả… bố mẹ.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới nghe chuyện về con gái làm sao đỏ ở trường, chị Đặng H. (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) bộc bạch: Nói thật là, mặc dù thấy con được chọn vào đội "sao đỏ” của trường, tôi cũng vui và chút hãnh diện, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, tôi thấy con mình có biểu hiện của một đứa trẻ "ảo tưởng quyền lực”.
Con chị H. học lớp 4. Chị kể, cứ tuần nào đến lịch trực thì con dậy sớm để đến trường sớm hơn mọi ngày 15 phút, chuẩn bị sẵn quyển vở để sẵn sàng ghi tên, lớp các bạn vi phạm nội quy của trường như đi muộn, nói tục, nghịch ngợm trong giờ truy bài và các hành vi khác.
Lúc đầu tôi nghĩ, công việc “sao đỏ” chỉ đơn giản là con có cơ hội rèn kỹ năng lãnh đạo, ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, giúp thầy cô trong việc quản lớp, tổ chức chơi và học cho các bạn tốt hơn.
Tuy nhiên, con làm Sao đỏ được vài tháng, khi về nhà con đã có những biểu hiện tự cao tự đại, ra dáng "đại ca" của những bạn bè đồng trang lứa ở khu dân cư, thậm chí cả với bố mẹ.
“Khi con chơi với bạn, tôi thấy con hay quát nạt các bạn, thay vì trao đổi một cách nhẹ nhàng con hay để ý, “rình” các bạn xem có làm gì sai không, con phán xét bạn A chào hỏi chậm, bạn B không hòa đồng bằng một giọng nói mang tính “tố giác” chứ không phải như một đứa trẻ 9 tuổi kể chuyện.
Con bắt ép các bạn phải làm theo ý mình, vì con cho rằng con là đúng, chỉ duy nhất mình con là đúng. “Các bạn phải nghe tớ, vì tớ làm sao đỏ ở trường đấy”. Nếu một bạn nào đó không làm theo ý con, lập tức con lên giọng “kẻ cả” để nói xơi xơi vào mặt bạn…
Có lúc con còn xét nét, bắt bẻ khi thấy bố, mẹ hay anh trai tại sao lại làm thế này, tại sao lại làm thế kia?
Những câu hỏi của con không còn vẻ ngây thơ, hay thể hiện việc mong muốn tìm hiểu mà tôi thấy con hình thành sự dò xét, với tâm lý thích ra oai, thích phán xét người khác.
Tôi nhận ra sự thay đổi đó ở con bắt đầu từ những câu chuyện con kể về công việc trực "sao đỏ" ở trường.
“Hôm nay có bạn đi học muộn, lén chạy qua chỗ con để vào lớp nhưng bị con phát hiện, con gọi giật lại, bắt đọc họ tên, rồi lớp nào để ghi vào sổ rồi mới cho đi”; “Có bạn xin đừng ghi vào sổ vì sợ bị kiểm điểm nhưng con không tha…”…
Tôi bất chợt thấy lo lắng, con gái tôi mới 9 tuổi nhưng đã biết mình là người “có quyền”, có thể kiểm soát, có thể “tha” hay “bắt” một bạn nào đó nếu bạn ấy vi phạm nội quy của nhà trường.
Tôi bận tâm khi thấy con mang cả những quy định của trường học về áp dụng mọi lúc mọi nơi, cả với bạn và cả với bố mẹ. Tôi lo con sẽ bị ăn sâu tâm lý “quyền lực” ngay từ bây giờ và cho tới khi lớn.
Khi đó, con sẽ không chịu tiếp thu những đóng góp, những góp ý của người khác mà luôn cho rằng mình đúng. Con sẽ soi mói, sẽ dò xét tới những người xung quanh, thay vì sự quan tâm, cởi mở…
Tôi chỉ mong, giáo viên và nhà trường định hướng đúng đắn cho các con công việc của một “sao đỏ”, về vai trò và trách nhiệm của một người học sinh làm nhiệm vụ tự quản là giúp đỡ các bạn tốt lên, chứ không phải hạch sách, sai khiến, kiểm soát các bạn.