Lý do người dân tuyệt đối không được tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau, cảm cúm khi đang dịch

Cứ thấy sốt, ho là tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống là thói quen xấu mà nhiều người Việt mắc phải. Các chuyên gia chỉ ra những lý do tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống trong mùa dịch COVID-19.

Triệu chứng khi bị COVID-19 dễ nhầm với cảm cúm

Anh D.Đ.P. (27 tuổi, ở Hà Nội, bệnh nhân thứ 20 mắc COVID-19) trước khi phát hiện mắc COVID-19 anh này có triệu chứng hơi ho, sổ mũi. Lúc đó bệnh nhân nghĩ mình bị cảm cúm thông thường nên ra hiệu thuốc gần nhà ở khu phố Trúc Bạch mua thuốc cảm cúm về uống.

Sau khi uống hết một lần thuốc, anh P. thấy những cơn ho, sổ mũi đỡ hẳn. Vì nghĩ rằng chỉ là bị cảm cúm thông thường nên anh P. không chút bận tâm.

Chỉ mãi đến khi lực lượng chức năng của cơ quan phòng chống dịch đến nhà thông báo anh có yếu tố dịch tễ tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và đưa đi cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, anh P. mới ngỡ ngàng phát hiện mình mắc COVID-19 chứ không phải bị cảm cúm thông thường.

Không chỉ riêng anh P., mà ông Q.Q.T. (47 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội, bệnh nhân thứ 243 mắc COVID-19) cũng nhầm tưởng mình bị cúm trước khi phát hiện mắc COVID-19.

Bệnh nhân T. kể lại rằng, sau khi đưa vợ đi khám ở BV Bạch Mai về, ông thấy người đau mỏi, ngây ngấy sốt. Nghĩ rằng mình bị cảm cúm thông thường nên ông T. ra hiệu thuốc gần nhà mua 1 vỉ thuốc cảm cúm về uống. Ngày hôm sau ông thấy người đỡ mỏi, đỡ sốt nên không quan tâm nhiều và vẫn đi làm việc, sinh hoạt như bình thường.

Đến khi ông T. đọc được thông tin những người đã đến BV Bạch Mai trong các ngày 10 – 28/3 cần phải khai báo y tế, ông đã chủ động thông báo đến Trạm y tế xã và được lấy mẫu bệnh phẩm gửi cho CDC Hà Nội xét nghiệm.

Thời điểm nhận kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ông T. rất bất ngờ, bởi ông vẫn nghĩ mình chỉ bị cảm cúm thông thường.

Thói quen tự mua thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc cảm cúm về uống rất nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Tự mua thuốc sốt, cảm cúm, giảm đau uống trong mùa dịch nguy hiểm thế nào? 

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng thì thói quen tự làm bác sĩ, tự mua thuốc về chữa bệnh của người dân Việt rất nguy hiểm.

Bởi thuốc giảm đau, hạ sốt sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người bệnh không biết mình bị mắc bệnh mà vẫn sinh hoạt bình thường trong cộng đồng, dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Hơn nữa, các loại thuốc cảm cúm, thuốc sốt thông thường không diệt được virus, nó chỉ làm mất triệu chứng tạm thời, sau lại quay lại vì giảm sốt xong lại sốt lại, bệnh kéo dài sẽ làm tình trạng thêm trầm trọng hơn, có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm khi nhập viện muộn do viêm phổi, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Và thực tế là đã có trường hợp bệnh nhân 20 và bệnh nhân 243 bị mắc COVID-19 những cứ ngỡ mình bị cúm, tự mua thuốc về uống và dẫn đến chậm trễ trong việc phát hiện bệnh, gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

"Nếu người bệnh không để ý đến tình trạng sức khỏe của mình, chỉ cho rằng là cảm cúm thông thường mà mua thuốc sốt, thuốc cảm cúm về uống cho bớt triệu chứng, không có biện pháp phòng ngừa khi đi ra chỗ đông người thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, trong mùa dịch COVID-19, những người biểu hiện sốt, ho, cảm cúm không nên tự ý mua thuốc để điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm.

Hoặc người bệnh có thể gọi điện đến cơ quan y tế khu vực để được nhân viên y tế hướng dẫn nên làm gì, tìm hiểu dịch tễ xem có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm hay không… Hiện tất cả những người có triệu chứng cúm khi đến BV thăm khám đều phải xét nghiệm xem có mắc COVID-19 hay không. 

Người dân cần bỏ ngay thói quen tự làm bác sĩ, tự mua thuốc về uống, nhất là trong mùa dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng, ho, sốt là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh COVID-19.

Trong mùa dịch, khi có dấu hiệu ho, sốt, mọi người cần nghĩ xem lại lộ trình di chuyển, đặt câu hỏi nhận diện nguy cơ nhiễm COVID-19. Xem mình có sống, đi qua vùng dịch không? Có tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 trong 14 ngày qua hay không?...

Nếu một trong số câu trả lời là có hoặc không rõ cần liên hệ cơ sở y tế địa phương để khai báo y tế hoặc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế để được hướng dẫn.

Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp của y tế, những người có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 hãy đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, dùng vật dụng cá nhân riêng để tránh lây cho những người xung quanh.

Xem thêm
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan