Chàng trai Sài Gòn Đặng Ngọc Bảo chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm chi tiết bao gồm thời gian đi, chi phí, nơi lưu trú và điểm ăn uống vui chơi.
Kinh nghiệm du lịch Sa Pa 3 ngày 2 đêm
Đặng Ngọc Bảo – chàng trai Sài Gòn từ lâu đã ấp ủ mong muốn được đến với Sa Pa để được tận mắt chứng kiến thị trấn Sa Pa ẩn hiện trong sương mù và được cảm nhận cái rét đặc thù của miền Tây Bắc.
Chuyến đi 3 ngày 2 đêm đến Sa Pa của Ngọc Bảo trôi qua nhanh chóng, nhưng để lại trong chàng trai ấn tượng khó quên, đến mức ngay khi kết thúc hành trình, Ngọc Bảo đã phải viết ngay về trải nghiệm của chính mình về Sa Pa.
Nếu bạn đang có ý định đi Sa Pa, có thể tham khảo kinh nghiệm du lịch Sa Pa với chi phí 3,3 triệu đồng của chàng trai Sài Gòn sau đây.
Thị trấn Sa Pa không quá rộng, những địa điểm để tham quan cũng không quá nhiều, nên Bảo chọn lịch trình 3 ngày 2 đêm, cũng là thời gian vừa đủ để Bảo cùng nhóm bạn có thể khám phá hết những địa điểm nổi bật ở đây.
Ngọc Bảo chọn thời điểm đi du lịch trước tết vì đây là thời điểm Sa Pa rất vắng khách du lịch. Đường phố, quán xá và các địa điểm ăn chơi ở Sa Pa lúc này rất vắng vẻ.
Nhưng đây lại là điểm mà Ngọc Bảo thích vì không phải bon chen, chờ đợi, xếp hàng như những hình ảnh mọi người từng thấy lúc Sa Pa vào mùa cao điểm.
“Phải nói rằng, thời điểm này dường như Sa Pa đang chính là Sa Pa thực sự. Bình yên, nhẹ nhàng, ngây ngất lòng người”, Bảo chia sẻ.
Thời điểm này Sa Pa đang vào là mùa đông, nên thời tiết rất lạnh. Bảo cho biết nhiệt độ ban ngày từ 5-7 độ, ban đêm khoảng 1-2 độ, hoặc có thể xuống thấp hơn.
Ngoài thời điểm này, mỗi mùa ở Sa Pa lại có một cảnh sắc khác nhau, bạn có thể tham khảo
- Mùa xuân lên Sa Pa ngắm hoa đua nở (tháng 2 đến tháng 5)
- Mùa hạ lên Sa Pa tránh nóng ngắm ruộng bậc thang (tháng 6 đến tháng 8)
- Mùa thu đi ngắm Sa Pa vàng rực màu lúa chín (tháng 9 đến tháng 11)
- Mùa đông lên Sa Pa ngắm tuyết rơi (tháng 12 đến tháng 2).
Trước khi đi, Bảo có tìm hiểu giá cả các khách sạn và homestay ở Sa Pa. Sau một thời gian đắn đo, Bảo quyết định lựa chọn book trọn gói combo gồm xe khứ hồi và phòng khách sạn. Và khách sạn anh chàng chọn là khách sạn Sa Pa Charm Hotel.
Đây là khách sạn 4 sao, có 11 tầng, bể bơi 4 mùa trong nhà. Bảo đặt combo gồm: Xe Interbus line khứ hồi, phòng Deluxe view núi 3 ngày 2 đêm, 2 bữa buffet sáng, taxi khứ hồi đưa đón từ phòng vé của Interbus về khách sạn và ngược lại. Combo với giá 1,250,000 nghìn đồng/1 người.
Về Interbus Line: Vì đặt combo nên trước ngày đi 1 ngày, Bảo mới gọi điện cho nhà xe để hẹn điểm đón. Xe chạy nhanh và đúng giờ. Bảo đi chuyến Hà Nội - Sa Pa lúc 22 giờ, đến nơi tầm 3-4 giờ sáng. Chuyến Sa Pa – Hà Nội khởi hành lúc 16 giờ, tới Hà Nội lúc 21 giờ 30 phút.
Về di chuyển tại Sa Pa, bạn có thể thuê xe máy để tự do thoải mái di chuyển. Giá khoảng từ 120 - 180 nghìn đồng. Tuy nhiên, thời điểm Bảo đến Sa Pa, thị trấn luôn ngập trong sương mù, đường dốc, tầm nhìn bị giới hạn, lại trong đợt đang làm lại đường nên rất bẩn và trơn.
Do đó, ngoài đi bộ giữa những chỗ gần gần, Bảo sử dụng taxi để di chuyển đến những chỗ xa hơn.
Về giá cả khi di chuyển bằng taxi:
- Đi Ô Quy Hồ, Thác Tình Yêu, Thác Bạc: giá khoảng 450 nghìn đồng.
- Đi Bản Cát Cát: giá khoảng 180 nghìn đồng.
Bạn có thể tham khảo số điện thoại anh lái xe taxi rất nhiệt tình này: 085 7142082.
Lưu ý: Tại thị trấn Sa Pa chỉ có duy nhất một cây xăng nằm ở cuối đường Thạch Sơn. Do đó, bạn nào đi xe máy nhớ lưu ý vấn đề này.
Cách trung tâm thị trấn Sa Pa tầm 2km, Bản Cát Cát là địa điểm không thể không đi khi đến với Sa Pa. Đây là một ngôi làng của người dân tộc Mông sinh sống.
Giữa hàng loạt các bản làng của người đồng bào ở đây như: Sín Chải, Tả Van, Tả Phìn, ... thì Cát Cát được đánh giá là “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc” và đáng để đi nhất.
Sau khi đến trực tiếp quầy vé để mua vé vào cổng với giá 70 nghìn/ 1 vé, bạn có thể ghé lại thuê cho mình một bộ đồ dân tộc để chụp ảnh.
Giá thuê một bộ cả nam và nữ là 50 nghìn. Trang phục nữ thì có đủ màu, đủ kiểu hoạ tiết. Còn của nam thì chỉ có màu đen, chỉ thay đổi một chút hoạ tiết thêu trên áo. Ở chỗ thuê đồ, sẽ cho bạn mượn đủ phụ kiện đi kèm như: ô dù, vòng, mũ, túi thổ cẩm,...
Nhớ kiểm tra đồ mình mượn cẩn thận, đầy đủ trước rời đi. Đồ của bạn sau khi thay ra có thể gửi lại tại đó luôn, họ sẽ cho tất cả đồ của bạn vào một bịch lớn, và giữ miễn phí cho bạn.
Vào bản, câu cửa miệng của những người bán hàng hai bên đường là “mấy khi đến bản, mua ít bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ nó vui”.Nhưng thực ra trong bản hầu như không có trẻ em. Khi xuống gần cuối bản, thì chỉ có đúng 3 bé.
Bản Cát Cát xây dựng theo dạng một hình tròn. Đi vào 1 lối, đi ra 1 lối. Nên nếu bạn muốn khám phá trọn vẹn thì cứ thế mon men theo con đường mòn để đi hết bản.
Còn nếu đã thấm mệt, mỏi chân thì sau khi đến chỗ thác nước, dòng suối, cọt nước.. thì có thể ngồi nghỉ một chút ở mấy quán cà phê nhà gỗ ở đó, rồi quay ra theo con đường cũ.
Bản Cát Cát khá rộng, có rất nhiều bối cảnh, góc chụp hình, quán cà phê đẹp. Nên Bảo đã dành hết 1 buổi (khoảng 3-4 tiếng) ở đây.
Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Ô Quý Hồ, Đèo Hoàng Liên, Đèo Hoàng Liên Sơn, Đèo Sa Pa hay Đèo Mây đều là tên gọi để chỉ con đèo nắm kỷ lục dài nhất Việt Nam này. Ô Quy Hồ là 1 trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam.
Đây cũng chính là “cổng trời” trong truyền thuyết mà mọi người thường hay gọi. Cũng chính là “cổng trời Sa Pa” mà nhà văn Nguyễn Thành Long nhắc đến trong truyện ngắn “Lặng Lẽ Sa Pa”.
Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12km, đi men theo quốc lộ 4D để đến với Đèo Ô Quy Hồ. Nếu bạn đi xe máy thì nên cẩn thận, vì đường rất nhiều sương mù, tầm nhìn xa rất bị hạn chế.
Đường lên đèo thì rất quanh co và hiểm trở. Tất nhiên, khung cảnh đổi lại được thì rất tuyệt vời! Cứ như được tận tay chạm lấy những tầng mây vậy.
Bạn có thể dừng chân ở dãy hàng quán có giàn khung sắt dựng lên để có thể ngắm trọn cảnh đèo từ trên cao và chụp ảnh. Do không mất tiền chụp hình, nên Bảo đã ngồi xuống ủng hộ cô chủ quán một ít cơm lam và thịt xiên nướng, khoai lang mật, trứng gà nướng.
Bảo dừng chân ở đây khoảng 1 tiếng. Nắng đẹp, trời trong xanh, bạn có thể chụp ảnh thoải mái.
Những địa điểm này đều nằm trên 1 cung đường đi đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Sau khi đi Ô Quy Hồ xong, Bảo vòng về Suối Vàng - Thác Tình yêu.
Suối vàng - Thác tình yêu nằm trong Trạm Tôn - trạm kiểm lâm của vườn quốc gia Hoàng Liên. Đây cũng là 1 trong những điểm xuất phát của tuyến chinh phục đỉnh Fansipan bằng đường bộ.
Vào cổng mua vé 70 nghìn/1 người, rồi bắt đầu đi theo con đường đá để vào chân thác.
Con đường đi vào thác khá dài. Nhưng khi vào tận sâu trong rừng, tận mắt chứng kiến dòng thác đổ xuống từ vách đá thì rất đã mắt.
Thác Bạc cũng nằm trên cùng con đường với Thác tình yêu. Nhưng nó nằm ngay bên cạnh đường luôn, không cần phải đi bộ vào sâu trong rừng như Suối vàng - Thác Tình yêu. Vé vào cổng là 20 nghìn đồng. Do nhìn thấy không có gì đặc biệt nên Bảo đi về luôn, không ghé vào Thác Bạc nữa.
Bảo mất 1 tiếng rưỡi để vừa đi vào, vừa chụp hình và đi ra khỏi Thác tình yêu.
Đã đặt chân đến Sa Pa thì cũng chắc chắn không thể nào không chạm tay vào “nóc nhà của Đông Dương” - đỉnh Fansipan được rồi.
Tuy nhiên, cách di chuyển đến đỉnh Fan thì hơi rắc rối. Có 3 chặng đường để lên tới đỉnh:
- Chặng 1: Trung tâm thị trấn Sa Pa - Ga đi cáp treo. Bạn có thể đi bằng 2 cách. Đi tàu hoả leo núi từ Sun plaza lên Ga Mường Hoa hoặc đi taxi/xe máy đến cổng khu vực cáp. Giá vé tàu hoả leo núi Mường Hoa là 200 nghìn đồng khứ hồi.
- Chặng 2: Ga đi cáp treo - Ga đến cáp treo. Cáp treo Sa Pa sở hữu 2 kỉ lục thế giới: Cáp treo 3 dây dài nhất thế giới và Cáp treo có khoảng cách giữ ga đi - ga đến dài nhất thế giới. Giá vé niêm yết khứ hồi là 700 ngìn đồng.
- Chặng 3: Từ Ga đến cáp treo - Đỉnh Fansipan. Có 2 lựa chọn: leo 600 bậc thang dốc dựng đứng hoặc mua vé tàu leo núi đi trong 30 giây. Giá vé là chiều lên 70 nghìn đồng, chiều xuống 80 nghìn đồng.
Ngọc Bảo mua vé tàu một chiều (chiều lên), vì cho rằng chiều xuống đi dễ hơn và không mất sức, lại ngắm được nhiều cảnh đẹp.
Trước ngày dự định lên Fansipan 1 ngày, Bảo lên hệ đặt Combo vé Fansipan. Đặt combo sẽ rẻ hơn đáng kể và được giao vé tận nơi. Bảo đặt mua combo Vé tàu Mường Hoa và Cáp treo khứ hồi với giá 715 nghìn đồng.
Đến ga cáp treo, Bảo mua thêm vé tàu leo núi lên đỉnh là 70 nghìn đồng chiều lên. Bạn có thể tham khảo số điện thoại mua vé tại đây: 0984.991199
Ngoài những địa điểm trên, Bảo mình còn đi tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Green Hotel (tắm lá 100 nghìn đồng, xông hơi 100 nghìn đồng). Bạn có thể tham khảo địa chỉ tại số 1 Hoàng Liên, sau lưng Sun Plaza. Ngoài ra, dạo chơi loanh quanh trung tâm thị trấn như: Nhà thờ đá, Quảng trường, Sun Plaza cũng rất thú vị.
Bạn có thể tham khảo những quán ăn ngon ở Sa Pa như:
- Cốn sủi quán Ông Há - 591 Điện Biên Phủ
- Việt Deli - 01 Lê Văn Tám: Ở đây có lẩu cá Tầm, cá hồi rất ngon
- Xiên que ở chợ đêm: Giá từ 10- 40 nghìn đồng.
- Lẩu Tự Kỷ - 31 Xuân Viên.
- Sa Pa Deli - 11 Cầu Mây.
- Nhà hàng Hải Lâm - 72 Lương Định Của
- Cà phê Việt Emotion: Đồ uống hơi nhạt, nhưng bánh thì rất ngon và đẹp mắt. View nhìn thẳng trung tâm thị trấn rất đẹp.
- Cà phê Việt Trekking - 33 Hoàng Liên. Đường hơi khó tìm, vì nó nằm ở cuối đường Hoàng Liên (phía sau Sunplaza, gặp khúc cua rẽ phải tới cuối đường). View tầng mây cực đẹp. Giá cả và chất lượng đều ổn.
Ngoài ra còn khá nhiều quán cà phê hay ho nhưng Bảo chưa có dịp thử như: The Heaven (ở bản Cát cát), Kafa coffee, Cộng, Le Gecko,...
Ở Sa Pa có nhiều đặc sản như: Hạt dẻ, nấm hương, rượu táo mèo, măng khô, các loại mứt đào mơ mận, thịt trâu gác bếp và các loại thổ cẩm như: túi, khăn, móc khoá,... để các bạn có thể mua về làm quà.
Bạn có thể tham khảo một địa điểm bán hàng lưu niệm, mứt, hoa trà khô, tinh dầu,.. rất chất lượng và giá rẻ. Đó là Mai Coffee & Souvenir Sa Pa.
Địa chỉ 020 Hàm Rồng, nằm ngay quầy soát vé Núi Hàm rồng. Nếu đi từ nhà thờ đá, bạn đi thẳng tới cuối đường Hàm rồng, gặp khách sạn Công đoàn, rẽ trái và tìm số nhà 020.
Hy vọng với kinh nghiệm du lịch Sa Pa 3 ngày 2 đêm rất chi tiết, bạn sẽ có một chuyến đi vui và có nhiều kỷ niệm như nhóm bạn Ngọc Bảo.