Ô nhiễm không khí là nguyên nhân quan trọng gây chứng loãng xương và gãy xương, đây là kết quả tổng hợp từ 2 nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet (Anh).
Theo thông tin của các nhà khoa học Mỹ, số lượng người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nhập viện do gãy xương tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình.
Số liệu mẫu khảo sát rất lớn: 9 triệu người sử dụng ứng dụng Medicare.
Tình trạng ô nhiễm môi trường được xác định dựa trên mật độ các hạt bụi nhỏ trong không khí (Particulate Matter – PM). Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, mật độ bụi nhỏ ở trên giới hạn 12 μg/m3 được coi là ô nhiễm không khí.
Một nghiên cứu khác được tiến hành độc lập ở Anh, kéo dài trong 8 năm, với mẫu khảo sát xấp xỉ 700 người trung niên có thu nhập thấp.
Nghiên cứu này cho thấy những người sống ở các khu vực có lượng PM và phát thải carbon tương đối cao có mật độ canxi và hormone liên quan đến xương thấp hơn so với những người phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí thấp hơn.
“Cải tiến công nghệ hoặc thay đổi chính sách trong hạn chế mức phát thải có thể giúp làm giảm tác hại của ô nhiễm không khí đến bệnh loãng xương, gãy xương’ – Tiến sĩ Andrea Baccarelli (Mỹ), tác giả của một nghiên cứu đề xuất.
Bình luận về kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Tuấn Nguyễn (Viện Nghiên cứu Y khoa, New South Wales, Australia) cho rằng:
“Loãng xương và hệ quả của nó là gãy xương, là một trong những vấn đề quan trọng nhất của y tế cộng đồng trên toàn cầu, bởi vì gãy xương chính là vấn đề có liên quan đến việc tăng tuổi thọ”.
Tiến sĩ Tuấn cho rằng 2 nghiên cứu trên đã chứng tỏ: các yếu tố về gen chỉ tác động một cách khiêm tốn đến tình trạng gẫy xương và loãng xương, trong khi các tác động phơi nhiễm với môi trường có thể là nguyên nhân chính gây ra các bệnh này.