Nếu bạn quá bận rộn và không có nhiều thời gian để dọn dẹp nhà bếp, hãy thử phương pháp sau: Tối giản hóa phòng bếp.
Bạn có biết những người sống trong phòng bếp bừa bộn thường ăn vặt nhiều hơn và hấp thụ gấp đôi lượng calo từ các loại đồ ăn vặt hơn những người có phòng bếp gọn gàng?
Chắc chẳng có nơi nào lộn xộn trong nhà bằng phòng bếp. Từ các tờ rơi quảng cáo, hàng tạo hóa, các loại túi đựng, thùng carton đến ‘bộ sưu tập’ cốc, đĩa bẩn dồn lại trong ngày.
Để dọn dẹp đống lộn xộn trong nhà bếp đòi hỏi không ít công sức.
Không thể phủ nhận rằng, một phòng bếp sạch sẽ, gọn gàng sẽ khiến ngôi nhà sáng sủa hơn, người nội trợ cũng vui vẻ hơn với công việc của mình. Và phòng bếp sạch sẽ là nơi mang lại những bữa ăn ngon miệng.
Có thể bạn là người bận rộn và không có nhiều thời gian dọn dẹp phòng bếp. Vậy hãy thử giải pháp mới để mang lại vẻ đẹp và sự ngăn nắp cho không gian nhà bạn: Tối giản hóa phòng bếp.
Gia Đình Mới xin nêu ra 7 lý do để bạn nên lựa chọn tối giản hóa phòng bếp trong gia đình.
1. Bạn sẽ có chế độ ăn uống lành mạnh hơn (và ăn ít hơn)
Bạn có biết rằng phòng bếp lộn xộn có thể là nguyên nhân dẫn tới ăn quá nhiều không?
Brian Wansink của trường Đại học Corell và các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2016 để tìm hiểu sự tác động của môi trường lộn xộn – chẳng hạn như những phòng bếp bừa bãi – đến thói quen ăn vặt của con người.
Trong thí nghiệm của họ, những tình nguyện viên sống trong phòng bếp bừa bộn thường ăn quá nhiều và hấp thụ gấp đôi lượng calo từ các loại đồ ăn vặt hơn những người sống trong phòng bếp gọn gàng.
2. Tạo thói quen gọn gàng cho cả gia đình
Phòng bếp được coi là trung tâm điều khiển của gia đình bạn – mọi hành động gần như đều đi qua gian bếp. Do đó, phòng bếp sẽ xây dựng thói quen, văn hóa của cả gia đình.
Một phòng bếp gọn gàng, ngăn nắp sẽ kích thích tính trật tự, sạch sẽ, và còn giúp tiết kiệm thời gian, làm gương cho mọi thành viên trong gia đình bạn.
3. Đồ vật lộn xộn khiến bạn căng thẳng hơn
Các nhà nghiên cứu ở Viện Đại học California đã phát hiện ra mối liên hệ giữa mức độ tiết hormone căng thẳng cao với đồ vật trong căn nhà.
Sự lộn xộn khiến bạn căng thẳng hơn vì quá nhiều đồ vật cạnh tranh thu hút điểm nhìn của bạn, khiến bạn càng bị mất tập trung và dẫn đến càng căng thẳng hơn.
4. Việc nấu ăn sẽ trở nên vui thích hơn
Phòng bếp có thể đóng nhiều vai trò khác nhau trong nhà: là nơi mọi người tụ tập trò chuyện, là nơi yên tĩnh để làm bài tập của trẻ, là nơi lý tưởng để sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng mục đích chính của nó chính là để chuẩn bị đồ ăn – các bữa chính, bữa phụ, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Một phòng bếp tối giản hóa, có không gian để di chuyển và nấu nướng sẽ khiến người nội trợ vui thích hơn một nơi lộn xộn, bữa bộn.
5. Lộn xộn lại càng lộn xộn
Khi một nơi trong nhà bạn trở thành ‘điểm tập kết’ mọi đồ đạc, sẽ càng có nhiều ‘thứ’ hơn tập trung tại đó.
Chẳng hạn như một ngăn kéo chứa đồ linh tinh, tầng hầm, tủ đồ. Mặt bàn cũng vậy. Đôi khi giống như càng mở rộng không gian (ví dụ đặt thêm một chiếc bàn nữa) thì càng bề bộn vì những đồ linh tinh của bạn là vô tận.
Khi chúng ta cho phép chúng chất chứa những thứ đồ linh tinh, thì càng nhiều đồ linh tinh sẽ xuất hiện ở đó.
Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này chính là bỏ đi càng nhiều càng tốt những món đồ không cần thiết.
6. Căn nhà của bạn sẽ lành mạnh hơn
Một phòng bếp bừa bộn có rất nhiều vi trùng, bụi bẩn, tạp chất trên bề mặt hoặc trên các đồ dùng, dụng cụ.
7. Một nhà bếp gọn gàng cho phép bạn tận hưởng ngày mới
Nếu sáng dậy bạn lại phải vật lộn với ‘chiến trường’ trong phòng bếp của ngày hôm trước, thì buổi sáng của bạn sẽ thật khó chịu.
Đây không phải là cách hay để bắt đầu một ngày mới, và bạn sẽ không tận hưởng được hết ngày mới ấy.
Một phòng bếp nhỏ gọn, ngăn nắp, tối giản sẽ nhắc nhở bạn một ngày mới đang chờ đợi phía trước.
4 bước để tối giản hóa phòng bếp trong nhà:
1. Bỏ bớt những đồ giống nhau
Hầu hết các ngôi nhà đều có quá nhiều đồ giống nhau với số lượng lớn như cốc chén, bát đĩa, cốc cà phê. Giảm bớt số lượng không cần thiết sẽ giúp giải phóng không gian nhà bếp của bạn, mà không cần lăn tăn xem thứ đó có hữu ích không.
2. Di chuyển những đồ vật lớn hoặc ít sử dụng
Nếu có những đồ chiếm nhiều diện tích mà lại ít được dùng (2 lần/năm hoặc ít hơn) thì hãy tìm một chỗ mới để cất chúng, ví dụ như tầng hầm, gác xép.
Việc này sẽ giải phóng không gian quý giá mà bạn cần sử dụng hàng ngày.
3. Chỉ giữ lại những dụng cụ nhà bếp mà bạn thật sự cần
Thi thoảng đi mua sắm hoặc xem quảng cáo mua hàng trên mạng, bạn thấy vài món đồ được quảng báo là hữu ích, tiện lợi cho những người nội trợ, vậy là bạn mua ngay về.
Nhưng thực tế, chỉ sau 2, 3 lần dùng, bạn bắt đầu nhận ra rằng chúng không thực sự cần thiết, và cũng không làm tăng hiệu suất công việc lên là bao.
Vậy hãy chỉ giữ lại những đồ thực sự cần thiết cho phòng bếp nhà bạn và việc nấu nướng. Việc này cũng giúp bạn tiết kiệm hơn khi cân nhắc mua sắm đồ dùng.
4. Dọn dẹp bàn bếp
Sau khi hoàn thành các bước từ 1 đến 3, bạn sẽ ngạc nhiên tủ và ngăn kéo phòng bếp đã thoáng hơn rất nhiều. Bước tiếp theo chính là sắp xếp, dọn dẹp lại các đồ vật còn lại trong căn bếp.
Đồ đạc gọn gàng ngăn nắp cũng giúp việc dọn dẹp trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.