Khoảng 95% ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng

‘Polyp đại tràng là những khối lồi ở bên trên niêm mạc của đại tràng. Có khoảng 95% các trường hợp ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng. Do đó, để kiểm soát ung thư đại tràng cần phát hiện sớm và loại bỏ các polyp’ – GS.TS Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Nguy cơ phát sinh ung thư nếu không điều trị polyp sớm

Theo GS.TS Đào Văn Long, polyp đại tràng là bệnh tương đối phổ biến, gặp ở nhiều người và nam giới thường mắc polyp đại tràng nhiều hơn nữ.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc polyp tăng theo độ tuổi và chiếm khoảng 30% dân số.

Polyp đại tràng có khả năng di truyền từ bố, mẹ sang con

Trường hợp trẻ em mắc polyp đại tràng thường ít, nếu có thường là do di truyền từ người thân.

Một trong những trường hợp điển hình là bé gái Trần Quỳnh G., sinh năm 2003, quê ở Yên Bái.

Mẹ bé G. bị ung thư đại tràng và đã tử vong. Sau đó gia đình bé G. đã đưa cháu đến phòng khám của GS Đào Văn Long để thăm khám, tầm soát bệnh.

Kết quả nội soi phát hiện bé G. có nhiều polyp dọc khung đại tràng và trực tràng, có nhiều polyp kích thước 0,2 - 1cm.

Sau khi thăm khám các bác sĩ tại phòng khám đã tiến hành cắt polyp và theo dõi thường xuyên để phòng ngừa polyp tiến triển thành ung thư đại tràng.

GS Đào Văn Long cho biết, bệnh polyp đại tràng mà bé G. mắc phải là loại di truyền hiếm gặp và rất dễ chuyển thành ung thư nếu không được điều trị sớm.

Các loại polyp đại tràng thường gặp gồm polyp u tuyến, những khối tăng sinh lành tính và các hội chứng về polyp.

Trong đó, polyp u tuyến là loại gặp phổ biến nhất và là loại có khả năng cao gây ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng không phải hoàn toàn là do polyp nhưng có khoảng 95% ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng.

Sự thay đổi di truyền trong những khối u này dẫn đến những thay đổi về sự tăng trưởng, làm cho chúng nhân lên một cách mất kiểm soát.

Một loại polyp đại tràng thường gặp nữa là những khối tăng sinh lành tính ở đại tràng. Thông thường những khối này có kích thước nhỏ và rất ít khi trở thành ung thư.

Nhưng khi thăm khám bệnh, không ít bệnh nhân nghe thấy có polyp tăng sản thì thấy hoảng hốt, sợ hãi. Thực tế thì những polyp này lành và ít gây nguy hại cho sức khỏe.

Và còn có một loại polyp được gọi là các hội chứng về polyp. Các hội chứng bệnh lý gây nên polyp đại tràng thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là hội chứng polyp mang tính chất gia đình.

Đây chủ yếu là do tính chất di truyền gây nên và nếu hội chứng này để phát triển bình thường thì gần như 100% sẽ biến thành ung thư.

GS.TS Đào Văn Long thăm khám cho bệnh nhân bị polyp đại tràng

Nguyên nhân gây nên polyp đại tràng

Polyp đại tràng mang tính gia đình, tức là có khả năng di truyền từ bố, mẹ sang con. Nhưng phần lớn polyp có hiện tượng đột biến gene trên niêm mạc của đại tràng và hình thành nên polyp đột biến.

Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là yếu tố thuận lợi cho quá trình hình thành polyp.

Đặc biệt là những người hay uống rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc lào, ăn ít chất xơ, người tăng cân nhiều, ít vận động thì dễ có nguy cơ bị polyp đại tràng.

Ngoài ra, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc polyp càng nhiều. Lứa tuổi gặp nhiều nhất là sau 40 tuổi, cao nhất là khoảng 60 – 70 tuổi.

Loại polyp đại tràng nào dễ có khả năng biến thành ung thư

Kích thước polyp đóng vai trò quan trọng, bởi đó là dấu hiệu để biết polyp có khả năng biến thành ung thư hay không.

Polyp càng to thì càng dễ biến thành ung thư. Nếu dưới 0,5 cm thì rất hiếm khi chuyển thành ung thư.

Nếu polyp có kích thước khoảng 1 cm thì tỷ lệ chuyển thành ung thư là dưới 10%.

Với những polyp đại tràng có kích thước lớn hơn 2 cm thì tỷ lệ chuyển thành ung thư là 10 – 50%.

Bên cạnh đó phải xem xét bệnh nhân có 1 polyp hay nhiều polyp. Nếu bệnh nhân có nhiều polyp thì sẽ dễ ung thư hơn.

Một số nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy một người mắc bệnh có ba polyp trở lên thì khả năng chuyển sang ung thư có thể lên đến 15 – 20%.

Ngoài ra, vấn đề bản chất mô bệnh học của polyp cũng quyết định đến khả năng chuyển biến thành ung thư. Đặc biệt, với những polyp xuất hiện dị sản, loạn sản thì khả năng chuyển biến thành ung thư rất cao.

Polyp đại tràng đa số không gây nên triệu chứng nên chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua nội soi trực tràng

Polyp đại tràng gây ra triệu chứng gì?

GS Long cho biết, ‘đại đa số các polyp không gây ra triệu chứng gì, thậm chí đã chuyển biến thành ung thư một giai đoạn khá lâu rồi mà vẫn không có triệu chứng.

Nếu polyp gây ra triệu chứng thì cũng khá phiền phức. Triệu chứng thường gặp nhất là xuất hiện máu trong phân. Có thể là máu tươi, máu đỏ thẫm hoặc là phân đen kịt.

Tùy thời gian mà máu lưu lại và vị trí của polyp này như thế nào, máu chảy nhiều hay ít.

Cùng với đó là triệu chứng về đau bụng, khói chịu, làm thay đổi thói quen đại tiện, gây táo bón, tiêu chảy.

Với những trường hợp nặng có polyp gây xuất huyết tiêu hóa có thể gây thiếu máu, thiếu sắt, gây mệt mỏi.

Do hầu như polyp không có triệu chứng gì nên để phát hiện sớm polyp đại tràng là rất khó.

Vì vậy, để chẩn đoán bệnh, tầm soát sớm ung thư đại tràng, những người có nguy cơ cao (gia đình có người bị ung thư đại tràng, có tiền sử polyp đại tràng) có thể thực hiện các cách dưới đây:

- Những người ngoài 40 tuổi nên đi nội soi đại tràng, khám tầm soát ung thư. Nếu lần đầu nội soi không thấy có polyp thì 10 năm sau lại tiến hành nội soi để kiểm tra.

- Khi đi thăm khám thấy có polyp đại tràng thì tùy thuộc polyp loại nào mà bác sĩ thăm khám sẽ quyết định thời gian soi lại là nhanh hay là chậm.

- Có một cách theo dõi nữa là theo dõi máu ẩn trong phân. Nội soi thường đắt và phiền toái, vậy nên người ta sử dụng cách test máu ở trong phân để theo dõi và chẩn đoán bệnh.

Phẫu thuật nội soi được cho là phương pháp điều trị polyp đại tràng hiệu quả nhất

Phương pháp điều trị polyp đại tràng hiệu quả nhất

Hiện, phương pháp điều trị polyp đại tràng đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh là cắt bỏ polyp bằng nội soi. Phần lớn các polyp không quá to thì các cơ sở y tế đều có thể thực hiện được.

Đối với các polyp lớn hơn, khi cắt bỏ có thể gây ra một số biến chứng như chảy máu, chảy máu dữ dội gây tử vong, thủng đại tràng…

Do đó, với những trường hợp polyp lớn nên đến các cơ sở nội soi có trang thiết bị tốt, người làm có tay nghề kỹ thuật cao để tiến hành.

Việc trong ruột xuất hiện polyp thì nó sẽ có thêm sau một vài tháng. Do đó, vấn đề dự phòng để bệnh không tái phát hoặc bệnh ổn định trong thời gian dài đóng vai trò quan trọng.

Để làm được điều đó, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, bỏ bia rượu, thuốc lá, ăn nhiều thực ăn chứa chất xơ, duy trì chế độ tập luyện đều đặn mỗi ngày.

Quan trong hơn, đối với những người bị polyp đại tràng và đã tiến hành cắt bỏ thì có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị. Việc dùng thuốc điều trị giúp tần suất xuất hiện polyp giảm từ 30 – 50%.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc gây ra những tổn thương ở đường tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, ruột nên nó không được xem là biện pháp dự phòng thường quy.

Do đó, các bác sĩ thường khuyên người bệnh nội soi định kỳ để tầm soát bệnh thay vì sử dụng thuốc dự phòng. 

Linh Ly/giadinhmoi.vn