Khi thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai… hãy làm theo 7 cách sau

Rối loạn tiền đình làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… Đặc biệt với những người có bệnh lý đi kèm như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp có thể gây đột quỵ dẫn đến tử vong.

Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.

Rối loạn tiền đình dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng máy lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính.

Vì ngồi nhiều trong phòng máy lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày gây co thắt động mạch cột sống, dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát nếu không được chú ý kỹ.

 Rối loạn tiền đình sẽ gây triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, quay cuồng, buồn nôn...

TS.BS Nguyễn Văn Chương, Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ cho biết, khi tiền đình bị rối loạn sẽ chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo…

Tuy nhiên, người bị rối loạn tiền đình có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh thông qua các bài tập luyện dưới đây.

1.Bài tập làm mềm cơ

Người bị rối loạn tiền đình cần thường xuyên tập luyện để làm cho các cơ ức đòn chũm và cơ sau gáy mềm ra.

Có như vậy thì máu lưu thông lên não mới dễ dàng hơn. Động tác đơn giản để làm mềm cơ cơ ức đòn chũm và cơ sau gáy là hai tay đan vào nhau, vắt chéo sau gáy nghiêng sang trái, phải 30 lần.

2. Giảm chứng ù tai

Rối loạn tiền đình thường dẫn đến ù tai, người bệnh lúc nào cũng nghe thấy tiếng ù ù trong tai, nếu không điều trị có thể giảm thính lực.

Để giảm triệu chứng này, người bệnh cần đặt 2 lòng bàn tay áp vào 2 bên tai, mở ra khép vào 30 – 50 lần. Mỗi ngày thực hiện bài tập này 2 lần sẽ làm giảm hiệu quả triệu chứng ù tai.

Động tác đánh trống trời sẽ giúp rung chuyển tiểu não, đưa máu tới não nhanh hơn và làm giảm các triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra  

3. Rung chuyển tiểu não

Đây còn gọi là động tác đánh trống trời. Người bệnh để 2 tay úp sau gáy, đặt ngón ngón trỏ tay nọ lên ngón giữa tay kia và bật mạnh xuống gáy sao cho có tiếng kêu.

Việc thường xuyên thực hiện bài tập này sẽ giúp rung chuyển tiểu não, đưa máu tới não nhanh hơn.

4. Tăng dẫn truyền màng nhĩ

Để thực hiện bài tập này, người bệnh dùng tay phải vắt qua giữ đỉnh đầu, cầm đỉnh vành tai trái kéo giật lên từng nhát chậm dài 30 – 50 nhịp.

Sau đó đổi tay trái và làm tương tự như vậy. Việc thực hiện động tác này thường xuyên giúp tăng dẫn truyền màng nhĩ, tốt cho tai.

5. Tập thăng bằng

Người bị rối loạn tiền đình thường chóng mặt, mất cân bằng, có thể ngã khi thay đổi tư thế đột ngột.

Do đó, người bệnh cần tập trung giữ thăng bằng bằng động tác vẽ một đường thẳng ở trước mặt rồi đi đúng đường thẳng đó về phía trước, lùi lại phía sau.

6. Luyện tập tay

Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh có thể bị run tay, làm cho tay điều khiển không chính xác.

Chính vì vậy, người bị tiền đình cần tập động tác dùng tay chỉ các vị trí trên mặt, chủ yếu là mũi.

7. Tăng dẫn truyền cho tai

Động tác gõ răng hằng ngày bằng cách há miệng rồi ngậm từ từ để hai hàm răng chạm vào nhau có tiếng kêu nhẹ. Bài tập này có tác dụng làm tăng dẫn truyền cho tai, giảm các triệu chứng của rối loạn tiền đình.

 Thường xuyên tập luyện thể thao, vận động vùng đầu cổ, vai gáy sẽ giúp phòng tránh rối loạn tiền đình

Cách phòng rối loạn tiền đình hiệu quả

- Thường xuyên tập tập luyện thể thao, nhất là tập vận động vùng đầu cổ, vai gáy.

- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. 

- Giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... 

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, các chất kích thích như rượu, bia… 

- Với những người đang bị rối loạn tiền đình cần phải thận trọng trong tư thế sinh hoạt, không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh. 

- Hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh.

Đặc biệt là khi có những triệu chứng như: chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp càng sớm càng tốt.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn