Bé gái 13 tuổi xuất hiện tình trạng đau quặn bụng, ói liên tục, bụng to, đi khám phát hiện khối u buồng trứng nặng 12kg, bác sĩ phải mất nhiều giờ để cắt trọn khối u cho bé.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới tiếp nhận bé gái 13 tuổi trong tình trạng đau quặn bụng, ói liên tục, bụng to.
Tại bệnh viện, sau khi khám và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện bé có khối u nằm chiếm trọn cả ổ bụng, chèn ép hết ruột gan và khiến hai thận ứ nước độ II.
Bác sĩ chẩn đoán là theo dõi một lymphagioma cực lớn ổ bụng. Nhận thấy khối u lớn quá nhanh và đe doạ tính mạng, các bác sĩ tiến hành mổ khẩn, cắt trọn u và một phần nang buồng trứng gửi giải phẫu bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi mất gần 400ml máu và được bồi hoàn kịp thời. Hiện tại, bệnh nhi đang đợi kết quả giải phẫu bệnh để có kết luận chính xác từ các bác sĩ trong lần tái khám tới.
Những tưởng căn bệnh u buồng trứng, thường được cho là bệnh của phụ nữ trưởng thành, nhưng thực tế căn bệnh này còn đe dọa các bé gái từ khi mới sinh ra.
Theo các bác sĩ, u buồng trứng có hai dạng gồm dạng nang và dạng đặc, trong đó lại có hai loại u buồng trứng phổ biến nhất là u nang thanh dịch buồng trứng và u quái buồng trứng.
Các khối nang thanh dịch buồng trứng có thể hình thành từ rất sớm, do trẻ bị ảnh hưởng từ hoóc-môn của người mẹ khi còn đang mang thai.
Tỷ lệ trẻ dưới một năm tuổi phát hiện nang thanh dịch buồng trứng không hề thấp. Hầu hết các trường hợp này đều không chỉ định phẫu thuật mà tiếp tục theo dõi. Đa phần, các khối u có thể teo đi theo thời gian.
Theo thống kê, có tới 90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, phải hết sức cảnh giác với căn bệnh này và tiến hành phẫu thuật khi đường kính khối u từ 5cm trở lên.
Bởi nếu để muộn, rất dễ xảy ra tình trạng xoắn cuống khối u, vỡ khối u, chèn ép các cơ quan xung quanh và biến thành u ác tính…
Để phát hiện sớm bệnh và phòng ngừa những biến chứng, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm khối u, bởi những bất thường này hoàn toàn có thể phát hiện khi siêu âm ổ bụng. Khi trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con tới ngay cơ sở y tế và không loại trừ khả năng tồn tại khối u nang.
Đối với trẻ sơ sinh phát hiện u buồng trứng đang trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện trẻ quấy khóc, khó chịu cần được kiểm tra lại khối u ngay lập tức để tránh để xảy ra hậu quả không mong muốn.
Điều đáng nói, trên thực tế, không dễ phát hiện u buồng trứng cho tới khi khối u phát tác.
Thông thường, dấu hiệu nhận biết u buồng trứng khá mơ hồ. Bệnh nhân có thể đau ở vùng hạ vị, cơn đau gia tăng khi đã xảy ra tình trạng xoắn, hoặc vỡ nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, hoặc đau ruột thừa.