Hỏng người vì những vết loét kéo dài và sụt cân bất thường

Hỏi: Dạo gần đây, tôi có biểu hiện đi tiểu nhiều lần trong ngày, thường xuyên có tình trạng khát nước, sút cân… Nhiều người khuyên tôi nhập viện điều trị bệnh đái tháo đường. Nhưng vì ngại đi viện nên tôi xin bác sĩ tư vấn cho biết những dấu hiệu trên nói nên mức độ nghiêm trọng của bệnh này như thế nào?

Là căn bệnh khó nhận biết biểu hiện, đa số bệnh nhân tiểu đường phát hiện bệnh khi đã muộn

Bác sĩ Trần Văn Đồng, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Những ngày gần đây, không ít bệnh nhân đái tháo đường đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đường máu tăng cao. Nặng hơn nữa, có những bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Đây gọi là hôn mê do tăng đường huyết một trong biến chứng nặng của bệnh nhân đái tháo đường. Có hai thể hay gặp là hôn mê do nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

Đặc trưng của bệnh là thiếu hụt insulin nặng và đường máu tăng quá cao làm cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm toan, hôn mê. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong.

Trong khi hôn mê nhiễm toan ceton (thường xảy ra ở bệnh nhân đái đường type 1) có diễn biến nhanh trong vòng 24 giờ, thì hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 2) lại có diễn biến thầm lặng với các biểu hiện: đái nhiều, khát nước, sụt cân vài ngày trước khi nhập viện.

Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý, biểu hiện sớm nhất của tình trạng này là đường máu của bệnh nhân tăng dần dẫn đến đái nhiều (nước tiểu màu vàng hoặc vàng sậm), khát nước, sụt cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn. Một số triệu chứng thần kinh: lơ mơ, ngủ gà, hôn mê…

Ngay khi người bệnh đái tháo đường có các biểu hiện trên kèm theo thử đường máu nhanh thấy tăng cao (trên 13,9 mmol/L) thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.

Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cần giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện của mình, nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, duy trì đường huyết ổn định.

Bệnh tiểu đường có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, theo thống kê, 32 giây có 1 người cắt cụt chân vì căn bệnh này

Còn đối với những người bình thường, khi thấy những dấu hiệu sau thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra sức khỏe kịp thời:

Luôn cảm thấy đói: Cơ thể của người bị đái tháo đường không sản xuất đủ insulin, dẫn đến không thể chuyển đổi thực phẩm thành glucose để tạo ra năng lượng cho các tế bào. Chính điều đó làm cho người bệnh luôn cảm thấy đói dù đã được ăn uống đầy đủ. Và nếu người bệnh cứ cố gắng ăn uống để giảm cơn đói sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng cao hơn. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu đói liên tục dù đã ăn rất nhiều thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh đái tháo đường.

Khát nước và đi tiểu nhiều: Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là do khi mắc bệnh đái tháo đường, thận của người bệnh không thể hấp thụ được lượng đường dư thừa. Lượng đường này tích tụ trong nước tiểu, làm cho các mô bị mất nước và người bệnh đi tiểu nhiều hơn. Càng đi nhiều người bệnh càng khát nước, càng khát càng uống và dẫn đến đi tiểu nhiều hơn người thường.

Cơ thể mệt mỏi: Người bị đái tháo đường thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tế bào của người bệnh không có đủ glucose để tạo thành năng lượng. Hơn nữa, việc cơ thể mất nước do thường xuyên đi tiểu cũng góp phần làm cho người bệnh thêm mệt mỏi.

Giảm cân không mong muốn: Mặc dù không thay đổi chế độ ăn, chế độ tập luyện nhưng cân nặng cơ thể người bị đái tháo đường vẫn sụt giảm liên tục. Bởi, cơ thể người bệnh không thể sử dụng glucose như một nguồn năng lượng khi bị bệnh và việc lấy năng lượng tích trữ ở cơ làm người bệnh giảm cân nhanh chóng. Ngoài ra, việc đi tiểu nhiều cũng làm cơ thể mất nước và dẫn tới giảm cân.

Mắt mờ: Nhìn mờ đôi khi không phải là bệnh ở mắt mà có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là do sự dịch chuyển chất lỏng, làm cho tròng mắt của người bệnh sưng lên và thay đổi hình dạng, dẫn tới mọi thứ bắt đầu trông mờ đi. Tình trạng này sẽ khỏi khi bệnh đái tháo đường được điều trị ổn định. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị nặng hơn, thậm chí mù lòa nếu không điều trị bệnh đái tháo đường kịp thời, đúng cách.

Vết thương lâu lành: Nếu chẳng may bị đứt tay hoặc có vết thương nào đó mà lâu lành thì rất có thể bạn đang mắc bệnh đái tháo đường. Đường trong máu không chỉ làm tăng chứng viêm trong các vết cắt và vết loét mà còn dẫn đến sự tuần hoàn máu kém, khiến máu khó di chuyển đến và sửa chữa những vùng da bị tổn thương. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân, vết thương viêm nhiễm dẫn đến hoại tử.

Tê, ngứa, đau ở bàn tay hoặc bàn chân: Lượng đường trong máu cao dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém, dẫn tới tổn thương thần kinh. Tay và chân là những bộ phận cơ thể cách xa trái tim nên dễ bị đau nhức khi máu lưu thông kém.

Ngứa da: Đi tiểu nhiều dẫn đến cơ thể mất nước và gây khô da. Khi da khô có thể khiến người bệnh ngứa ngáy, những vết xước khô có thể dẫn đến nứt trên da và thậm chí gây ra nhiều bệnh. Ngoài ra, người bị bệnh đái tháo đường có sức đề kháng suy giảm nên dễ nhiễm virus, vi khuẩn, nấm… và gây ngứa ngáy, khó chịu./.

                                                                                                 Lý Lĩnh/GĐM

Bài liên quan


Tin liên quan