Hơn 320.000 thí sinh không vào đại học: Tín hiệu mừng

Hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022 đã đóng. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng hơn 620.000 thí sinh đăng ký và khoảng 320.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học.

 320.000 thí sinh không đăng ký vào đại học là điều bình thường

Tối 23/8, Bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ thí sinh đăng ký nguyện vọng (từ ngày 22/8 đến 17 giờ ngày 23/8), đã có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng. Như vậy, có khoảng 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học năm 2022.

Số thí sinh không tham gia đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học là khoảng 320.000 thí sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, 320.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học là con số quá lớn, là điều bất thường trong kỳ tuyển sinh đại học 2022 năm nay.

320.000 thí sinh không vào đại học năm 2022.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định đây là điều bình thường bởi so với các năm trước, năm nay việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học có điểm mới nên giúp giảm số “thí sinh ảo”.

Mọi năm khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó, có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” vì cho rằng, đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.

Năm nay, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ biết mình đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao và nhận thấy rằng, không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học nên các em đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học…

Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống là chuyện bình thường.

Tín hiệu mừng hơn lo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng số liệu trên là bình thường, không chênh lệnh đáng kể so với mọi năm.

GS Đức khẳng định đây thậm chí còn là tín hiệu tốt, là dấu hiệu đáng mừng. "Theo nhu cầu xã hội hiện tại, chúng ta đang "thiếu thợ", nhất là những thợ lành nghề. Bên cạnh đó, thợ lành nghề lại có mức lương cao. Thực tế này đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn đi vào học nghề trực tiếp thay vì học đại học theo hình thức. 

Nhiều thí sinh đã lựa chọn học nghề sau khi thi tốt nghiệp THPT 2022.

Việc các em chọn học nghề cho thấy các em đã nhận thức đúng, thực tế về việc không cần chạy theo bằng cấp mà quan trọng nhất là có tay nghề, có kỹ năng để khi học xong có công việc làm ổn định, thu nhập tốt. Các em đã có những lựa chọn phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình, sở trường sở thích... để theo đuôi, đó là điều rất đáng mừng.

Tôi vẫn có lời khuyên, thí sinh nào có năng lực, cảm thấy phù hợp thì chọn đăng ký để vào đại học, còn nếu ngược lại thì không nên, bởi trên thực tế, có rất nhiều bạn vào đại học nhưng không học được, cuối cùng lại bỏ học rồi ra ngoài làm, tốn kém cả thời gian, tiền bạc.

Thầy giáo Đỗ Việt Anh (Hà Nội) cũng cho rằng, việc có tới 320.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cho thấy quan điểm, thước đo về sự thành công đã thay đổi. Các em đã nhận thức được rằng "Đại học không phải con đường duy nhất để thành công". 

"Thực tế, đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là các em học sinh phải tư duy theo hướng phát triển bản thân và luôn nỗ lực để tìm cơ hội trong mọi môi trường học tập.

Bằng đại học hay những bằng cấp khác là điều kiện cần để chúng ta gặp nhà tuyển dụng, nhưng điều kiện đủ là năng lực. Giai đoạn này, ngoài năng lực thì các bạn phải tập trung học ngoại ngữ, khả năng thích ứng, khả năng làm chủ công nghệ thì sẽ không bao giờ bị bỏ lại”.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan