Hóc thạch, bé trai 11 tháng tuổi tử vong

Trong lúc ăn thạch, cậu bé bị sặc, tím tái toàn thân, rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở.

Khi trẻ bị sặc đồ ăn, người lớn cần áp dụng biện pháp vỗ lưng để trẻ ho tống dị vật ra ngoài. Ảnh minh họa

Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mới tiếp nhận một bệnh nhi bé trai 11 tháng tuổi ở Cửa Lò, Nghệ An bị hóc thạch rau câu.

Được biết, khi trẻ đang ăn thạch thì bị sặc và tím tái toàn thân. Người nhà lập tức đưa cháu đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở phải hồi sức tim phổi nhưng đồng tử 2 bên giãn, không còn phản xạ thần kinh. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng trẻ vẫn không qua khỏi.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị hóc dị vật.

Cách đây vài ngày là trường hợp trẻ 16 tháng tuổi bị hóc dị vật do ngậm giấy trong lúc chơi đùa. Theo người nhà kể lại, khi đang ngồi chơi cắt giấy với anh trai, trong lúc gia đình bất cẩn không để ý thì bé đã cho giấy vào miệng ngậm dẫn tới bị hóc, ho sặc sụa và khó thở. Ngay lập tức, bé Đ. được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 3 phút. Sau khoảng thời gian này xem như đã trễ, mọi cách cứu chữa gần như vô phương. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhi có thể phải sống thực vật.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng.

Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi...

Trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương... trong thức ăn. Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở. 

Đối với trường hợp trẻ bị sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, người lớn cần áp dụng biện pháp vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan