Học sinh An Giang giành giải Nhất trong cuộc thi hùng biện Tiếng Anh về quan hệ Việt - Mỹ

Cuộc thi hùng biện Tiếng Anh “Speak to Lead” vừa diễn ra tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ thu hút nhiều thí sinh tham gia.

Sau hai vòng thi trực tuyến kéo dài từ tháng 7 tới tháng 9, vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh "Speak to Lead" đã được tổ chức tại Hà Nội chiều 8/10 tại Hà Nội. Cuộc thi do Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp tổ chức cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI và các trường THPT chuyên trên cả nước.

Vượt qua nhiều đội thi trên cả nước, 5 đội thi đến từ THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang); THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn); THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông); THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu); THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đã bước vào cuộc tranh tài chung kết.

Với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam - đại sứ tương lai trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, vòng thi chung kết diễn ra trong bầu không khí tranh tài sôi nổi và hấp dẫn, thu hút nhiều ý tưởng và đề xuất thú vị của các thí sinh trên mọi lĩnh vực.

Đội thi An Giang thể hiện phần thi hùng biện thuyết phục Ban giám khảo và đạt giải Nhất cuộc thi.

5 đội thi đã trình bày các ý tưởng hấp dẫn để góp phần tăng cường giao lưu giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ:

Đội trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) tiếp cận chủ đề ở một góc độ khác biệt: trao đổi học sinh giữa hai nước. Theo đó, các thí sinh đưa ra ý tưởng lựa chọn những thanh niên xuất sắc, có tư duy đổi mới ở hai nước và thực hiện việc trao đổi với nhau để học tập. Sau khi tốt nghiệp, những thanh niên đó sẽ đem những kiến thức mình được trang bị để góp phần hỗ trợ phát triển mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong khi đó, đội THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đề xuất chiến lược hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua giáo dục với hình thức cử ra mỗi tỉnh hoặc thành phố một đại sứ. Đại sứ này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu và triển khai giải pháp cho các vấn đề tại địa phương đó.

Cũng lựa chọn tiếp cận chủ đề ở khía cạnh giáo dục, đội trường THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đưa ra ý tưởng về dự án thiện nguyện “Tiếng Anh cộng đồng” hướng đến mục tiêu trang bị kiến thức giao tiếp tiếng Anh cho dân tộc thiểu số với sự phối hợp của chính quyền địa phương và Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Đội trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) lựa chọn lối đi riêng với dự án giáo dục thông qua các nền tảng trực tuyến mang theo hi vọng giúp học sinh ở các vùng xa có cơ hội học tập và phát triển bình đẳng như học sinh ở các thành phố lớn.

Riêng đội trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) chọn tiếp cận chủ đề của vòng chung kết từ khía cạnh du lịch văn hóa với dự án mang tên “Tuổi trẻ chung tay” nhằm thúc đẩy du lịch của địa phương và lan tỏa các giá trị văn hoá đến với bạn bè quốc tế.

2 đội Giải Nhất và Giải Nhì.

Vượt qua các đối thủ xuất sắc, đội thi đến từ trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đã xuất sắc vượt qua 4 đối thủ xuất sắc còn lại để giành ngôi vị quán quân của cuộc thi. Các đội xếp hạng Nhì và Ba lần lượt là trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) và THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng).

Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: “Cuộc thi không chỉ là sân chơi giáo dục, góp phần giúp các bạn Việt Nam nâng cao khả năng tiếng Anh mà còn khích lệ, tạo cảm hứng cho các bạn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Thông qua cuộc thi, chúng tôi hi vọng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ lạc quan và tin tưởng vào tương lai của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ”.

Các đội thi và Ban tổ chức cuộc thi.

Thạc sĩ Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc SACE College Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Giáo dục Hanoi Adelaide School đánh giá: "Cả 5 đội thi có khả năng diễn đạt Tiếng Anh trôi chảy và phong thái hùng biện tự tin trên sân khấu. Các bạn đều xây dựng được nội dung bài thi một cách có chiều sâu và tính khả thi nhất định khi lựa chọn khai thác đề tài mà bản thân thực sự quan tâm hoặc thế mạnh của địa phương mình.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao hơn cả và quyết định dành điểm số cao nhất cho đội trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu vì ngoài trình độ ngoại ngữ và chất lượng bài thi, các thí sinh đến từ An Giang còn thuyết phục ban giám khảo với khả năng ứng biến linh hoạt khi gặp sự cố. Mặc dù tư liệu phần thi gặp trục trặc kĩ thuật không thể trình chiếu trọn vẹn, các bạn vẫn tự tin trình bày bày thi mạch lạc, trôi chảy và hấp dẫn”.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan