Sự kỳ thị không chỉ dừng ở người mang bệnh, mà áp lực ấy còn dồn lên vai rất nhiều y bác sĩ trực tiếp điều trị cho những người bị lây nhiễm HIV.
Làm đến trưởng khoa nhưng vẫn xin bỏ việc
Những người khoác áo blouse đều phải qua quá trình tuyển chọn khắt khao, bao năm đèn sách, rèn luyện thành nghề.
Thế nhưng, có một nhóm các bác sĩ, ngày ngày hi sinh thầm lặng, cứu từng người bệnh, giữ từng hơi thở cho bệnh nhân nhưng không được coi trọng như số đông còn lại.
Vì họ cũng giống như số phận của các bệnh nhân HIV bị “ném” đến cơ sở điều trị, bị gia đình bệnh nhân, xã hội nhìn như chính “con bệnh” nguy hiểm.
Đến mức, có những người bác sĩ cống hiến trong nghề hàng chục năm nhưng vì làm nghề chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt, các bác sĩ lại bị nhiều người đối xử một cách phân biệt.
“Tôi vẫn nhớ, ngày trước tại Bệnh viện này có một nữ bác sĩ rất xinh xắn. Cô ấy yêu bạn trai bấy giờ được mấy năm, thế nhưng đến khi gia đình nhà trai phát hiện cô làm việc, điều trị, ngày ngày tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, họ nhất quyết bắt hai người chia tay, không có cưới xin, qua lại gì nữa. Cô gái ấy về sau cũng phải bỏ nghề, đi tìm một nơi khác mong lấy được tấm chồng tử tế.
Chỉ vì áp lực của kỳ thị, cô gái đó mất cả tình yêu, mất cả nghề nghiệp”, Ths. Bs Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 tâm sự.
Với những bệnh nhân HIV may mắn, sau quá trình điều trị sức khoẻ hồi phục, họ làm lại cuộc đời.
Còn rất rất nhiều bác sĩ Bệnh viện 09, sau một thời gian tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, không thể chịu được áp lực đã phải buộc lòng bỏ nghề để tìm cuộc sống mới.
Bác sĩ Hưng kể, có những bác sĩ dù đã lên đến trưởng một khoa nhưng vẫn chấp nhận bỏ việc, đi học chuyên khoa khác, mở phòng mạch bên ngoài để làm việc.
Bị hàng xóm và cả đồng nghiệp kỳ thị
Ngay như với bác sĩ Hưng, hơn 20 năm làm nghề, không ít lần anh bị đồng nghiệp, hàng xóm nhìn anh ánh mắt nghi kỵ.
Cũng như nhiều bác sĩ điều trị HIV, anh thẳng thắn chia sẻ mình không có quá nhiều mối quan hệ với đồng nghiệp khác.
“Tôi vẫn có những người bạn trong nghề nhưng nhiều khi chúng bảo “tao thương mày, mày có ăn học cơ bản nhưng vào đây không có tương lai”, hay có lúc chúng nửa đùa nửa thật “chắc tao chẳng bao giờ cần và có lẽ không bao giờ cần nhờ đến mày.
Có những khi đi hội họp chuyên môn, ngồi cạnh những đồng nghiệp ở bệnh viện khác, sau khi hỏi han, tôi giới thiệu là bác sĩ Bệnh viện 09, những người đối diện đều tỏ ra thương xót và không mấy hào hứng nói chuyện thêm", bác sĩ Hưng kể
Nhưng chưa là gì so với việc, có những khi ra bác sĩ điều trị H ra ngoài ăn cơm, uống cốc trà đá, người bán hàng cũng chẳng mặn mà, chẳng buồn đón tiếp.
Công việc chuyên môn nặng nhọc không kém các bệnh viện khác, hàng ngày các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV luôn phải đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm.
Và như đã kể, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV còn bị chính cả đồng nghiệp tỏ ra thương hại, kỳ thị thì việc tuyển đầu vào luôn luôn khó khăn.
Theo bác sĩ Hưng, điều đó đã làm cho bệnh viện luôn ở trong cảnh, người trong thì muốn nhảy ra ngoài, còn người ngoài thì không muốn vào làm.
Theo đó, cơ sở điều trị HIV cứ ngày càng lay lắt và hiu hắt...
“Với những cơ sở điều trị người lây nhiễm HIV như chúng tôi, rất khó để tuyển dụng được các bác sĩ trẻ.
Ngày nay, sinh viên trau dồi kiến thức chuyên môn để mở thêm nhiều cơ hội việc làm, họ có thể học thêm để có đủ điều kiện tự mở phòng mạch hoặc xin vào các bệnh viện khác có tương lai hơn.
Chứ như ở đây, có những bác sĩ người Hà Nội muốn tìm hiểu, xin việc nhưng họ vào rồi đều đi ngay, không bao giờ quay trở lại.
Còn lại phần lớn là một số anh chị em người ngoại tỉnh, họ khát khao là người Thủ đô nhưng vì không có khả năng xin đi bệnh viện khác nên đành chấp nhận ở lại nhưng trong thâm tâm, có thể họ không muốn vào”, bác sĩ Hưng buồn bã chia sẻ.