Không phải tự nhiên con người trở nên mạnh mẽ, đó là điều chúng ta cần dạy con cái từ khi còn nhỏ. Người Nhật cùng hệ thống giáo dục của họ có tư duy khác biệt, đáng suy ngẫm về cách dạy con kiên trì, cứng cỏi.
Trẻ con thường sớm nản chí khi không làm được việc gì và nghĩ ngay đến việc nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ.
Người Nhật quan niệm rằng, cần bắt đầu rèn luyện cho con tính độc lập ngay từ khi con còn nhỏ để định hình cách con tiếp nhận cuộc sống sau này.
Họ quán triệt câu tục ngữ Nana korobi ya oki, nghĩa là Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần.
Nana korobi ya oki - Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần.
Đó chính là điều họ luôn muốn dạy con cái: không chỉ hướng đến thành công mà hãy luôn luôn nỗ lực, luôn luôn thúc đẩy bản thân để vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.
Luôn chúc con ‘Cố gắng hết sức nhé!’ (Ganbatte!)
Tư duy của người Mỹ và người Nhật khác nhau mỗi khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Một bà mẹ Mỹ sẽ chúc con may mắn trước khi thuyết trình hoặc làm bài kiểm tra nhưng mẹ Nhật sẽ nói: ‘Ganbatte!’, nghĩa là ‘Làm tốt nhất có thể nhé!’
Khen ngợi sự nỗ lực thay vì cho rằng kết quả đạt được do may mắn hoặc tài năng là cách dạy con khá mới mẻ ở Mỹ nhưng lại là một phần trong văn hóa truyền thống lâu đời của Nhật.
Sau hàng thập kỷ khích lệ con bằng những câu như: ‘Con thật giỏi/thông minh’, một nghiên cứu gây chấn động dư luận năm 2013 từ các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago và Đại học Stanford khuyến cáo cha mẹ nên khen ngợi nỗ lực của con bằng câu nói: ‘Con đã làm hết sức rồi!’
Thay vì giới hạn trẻ bằng việc khen ngợi những gì con đã làm được, hãy khuyến khích để con tin rằng khả năng của mình là vô tận.
Chúng có thể làm mọi thứ chúng muốn, trở thành bất kỳ ai chúng mơ ước, chỉ cần nỗ lực hết sức. Bằng việc khen ngợi sự nỗ lực, bạn đang khích lệ con nỗ lực nhiều hơn nữa.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy thử lặp lại câu: ‘Chúng ta thử lại nào’ mỗi khi con tỏ ra chán nản.
Dùng từ ‘chưa’ thay vì từ ‘không’
Thay vì ‘Con không biết’, ‘Con không hiểu’, hoặc ‘Con không làm được’, người Nhật dạy con nói ‘Con chưa biết’, ‘Con chưa hiểu’, ‘Con chưa làm được’.
Cách suy nghĩ này được thể hiện rất rõ trong hệ thống trường học ở Nhật, nơi tất cả học sinh đủ trình độ cùng học và tham gia các hoạt động ngoại khóa với nhau.
Điều đó ngược hẳn với hệ thống giáo dục ở Mỹ - học sinh có thể lên lớp tùy vào năng lực: nếu trẻ thông minh, thầy cô giáo có thể cho trẻ học ‘nhảy cóc’ vài lớp, thậm chí lên thẳng một bậc học khác. Còn nếu trẻ chật vật với một môn học nào đó, trẻ có thể phải ở lại lớp.
Theo nhà tâm lý học Angela Duckworth trong cuốn sách bán chạy nhất Grit (tạm dịch: Sự mạnh mẽ), chính hệ thống giáo dục của Nhật mới là mô hình tuyệt vời trong việc rèn luyện sự kiên cường, mạnh mẽ cho trẻ.
Thay vì phân trẻ vào các lớp dựa trên trình độ, người Nhật có một tư tưởng chung được củng cố ở trường rằng năng khiếu bẩm sinh không quan trọng bằng nỗ lực bản thân.
Một số trẻ có thể giỏi Toán, Mỹ thuật hoặc Âm nhạc hơn các bạn khác. Nhưng trường học ở Nhật không khuyến khích phát triển năng khiếu, họ dạy trẻ em rằng ‘cần cù bù thông minh’, chỉ cần cố gắng hết sức, ai cũng có thể giỏi bất kỳ lĩnh vực nào.
Do đó, các em chỉ ‘chưa biết’, ‘chưa giỏi’ chứ không phải ‘không biết’, ‘không giỏi’.
TS Duckworth cũng tin rằng, cách suy nghĩ này mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, trong đó có việc trẻ thích đi học và tự tin hơn.
Lấy việc tự kiểm điểm làm nền móng phát triển
Người Nhật rất quan trọng khái niệm tự kiểm điểm (hansei). Khái niệm này giúp bạn xác định những điểm cần cải thiện và quan trọng hơn, làm thế nào để đạt được điều đó.
Học sinh thường được yêu cầu đưa ra các mục tiêu và lập kế hoạch để hoàn thành chúng.
Tư duy phát triển thông qua tự kiểm điểm mang lại cho học sinh cảm giác mình có quyền kiểm soát tương lai – nếu muốn thay đổi cuộc sống, các em chỉ cần lập kế hoạch và nỗ lực vì nó.
Kết quả của cách giáo dục này là, bạn có thể chứng kiến một bé trai người Nhật ba tuổi rưỡi tự nói với bản thân: ‘Chúng ta có thể thử lại mà’ sau mỗi lần làm gì đó không thành công, hoặc cổ vũ những người xung quanh: ‘Cố gắng lên nào!’