Đằng sau sự thành công của thiên tài âm nhạc Malaysia Clarence Kang là sự nỗ lực ngày đêm mẹ anh - bà Joyce Lim.
Chỉ mới 20 tuổi nhưng Clarence Kang đã trở thành một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng tại Malaysia. Anh từng đại diện duy nhất của đất nước này tham dự Cuộc thi tìm kiếm tài năng Châu Á năm 2015 và thậm chí là tham gia biểu diễn tại sân khấu của Asian Para Games lần thứ 9 tổ chức năm 2017.
Sở dĩ Clarence Kang trở nên nổi tiếng bởi anh là một trong số ít người trẻ mắc bệnh tự kỷ và hội chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) thành công ở độ tuổi 20. Clarence và mẹ anh - bà Joyce Lim đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều gia đình có con mắc bệnh tự kỷ tại Malaysia.
Kể lại hành trình tìm kiếm tài năng âm nhạc bên trong cậu bé Clarence Kang mắc chứng tự kỷ, bà Joyce Lim bắt đầu bằng những lời chửi bới, nguyền rủa của đám đông.
"Họ nói rằng tôi nên nhốt con trong ở nhà thay vì đưa chúng ra ngoài. Họ nói rằng con tôi là một sự sỉ nhục đối với gia đình".
Gia đình của Clarence Kang có 5 thành viên, và chàng trai là con út trong nhà. Anh trai thứ hai của cậu, Clifford Kang, 23 tuổi, cũng mắc hội chứng ADHD.
Trong quá khứ, Lim từng dành nhiều kỳ vọng cho cậu con trai út. "Bởi khi chỉ mới 10 tháng tuổi, Clarence đã nhớ hết bảng chữ cái. Một năm sau đó, thằng bé có thể đọc được các từ tiếng Anh và khi được hơn 2 tuổi, thằng bé có thể đọc bách khoa toàn thư dành cho trẻ em… Tôi đã nghĩ rằng đây là một đứa trẻ đặc biệt và có khả năng xuất chúng”, Lim bộc bạch
Clarence không chỉ biết đọc chữ. Cậu bé còn có thể ghi nhớ, hiểu các nốt nhạc và nhạc phổ. Nhưng sau đó, tới năm lên 3 tuổi, Lim nhận thấy con trai út của mình đang thay đổi.
“Thằng bé trở nên rất rụt rè, im lặng và tự cô lập bản thân”, cô nhớ lại “Trông thằng bé có vẻ như bị phân tâm và suy nghĩ rất nhiều. Con tôi bắt đầu lầm bầm với chính mình và sắp đống đồ chơi của nó theo những cách rất kì lạ, rồi cứ ngẩn ngơ hàng tiếng đồng hồ”.
Tất cả điều đó khiến Lim cảm thấy bất ổn. “Trước đó, con trai không như thế này, nó rất hòa đồng và thích chơi cùng với các anh chị em và bạn bè”.
Cô liền đưa con trai mình đến bệnh viện để kiểm tra. Các xét nghiệm đã khẳng định nỗi lo sợ lớn nhất của Lim. Clarence không mắc chứng tự kỷ, mà cậu bé còn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
“Lúc đó, tôi không biết chứng tự kỷ là gì và tôi không thể chấp nhận sự thật đó”, Lim nói – “Tôi nghĩ bác sĩ đã nhầm rồi. Con trai thứ hai của tôi mắc chứng ADHD và tôi nghĩ rằng đây cũng chỉ là một dạng biểu hiện của chứng ADHD mà thôi”.
Nhưng rồi, Lim đã sớm chấp nhận thực tế và nhanh chóng hành động. Các chuyên gia khuyên chúng tôi nên đưa Clarence đến trường dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Nó không phải là trường học chuyên dành cho trẻ tự kỷ như ngày nay, ngày đó không có trường đó. Đó chỉ là một nơi mà những đứa trẻ có vấn đề về thể xác và tinh thần bị gom chung lại với nhau.
Trong khi đó, những đứa trẻ tự kỷ cần can thiệp chuyên sâu càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước sáu tuổi để giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng và tình trạng của trẻ tự kỷ. Clarence cũng không ngoại lệ. Họ bèn xoay sở để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân và điều trị chuyên biệt cho Clarence, bao gồm trị liệu về ngôn ngữ và hành vi.
"Ban đầu, chúng tôi tìm đến các bệnh viện công. Tuy nhiên danh sách bệnh nhân xếp hàng điều trị rất dài, mỗi đứa trẻ chỉ được điều trị một lần trong một tháng và tần suất như vậy không thể giúp cho con tôi trở nên khá hơn", Lim nói giọng buồn bã.
Một điều trớ trêu nữa là cha mẹ của những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt phải làm việc chăm chỉ để trả tiền điều trị cho con mình nhưng mặt khác, con cái của họ cũng cần nhiều thời gian của cha mẹ chúng hơn. "Đây là một vòng luẩn quẩn và tôi thực sự không biết làm thế nào để khắc phục. Tôi chỉ có thể nỗ lực từng ngày", Lim nói.
Vậy là Lim vừa xoay sở để làm việc kiếm thu nhập, vừa chăm sóc cho đứa con thơ bằng tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu dành cho chúng. "Tôi không thể ích kỷ mà phải chấp nhận thực tế. Tôi muốn chỉ ra những khó khăn, hỗ trợ con của mình, tôi có thể chăm sóc cho chúng. Mọi chuyện có thể không suôn sẻ như ý muốn nhưng rồi cuối cùng nó sẽ ổn thỏa", Lim nói.
Rồi, những nỗ lực của Joyce Lim không hề bị uổng phí. Clarence đã tốt nghiệp London College of Music thuộc Đại học West London năm 2018.
Anh thậm chí trở thành nghệ sĩ piano nổi tiếng, phát hành CD đầu tay mang tên Hold My Hand và mời mẹ mình hát ca khúc chủ đề. Mỗi khi nhắc đến Clarence, Joyce Lim không giấu nổi niềm tự hào khi nói về thành tích của con trai mình.
"Thông điệp duy nhất mà tôi muốn gửi tới những phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ là hãy huấn luyện cho chúng kỹ năng làm chủ cuộc sống. Hãy dạy cho chúng những kỹ năng sống cơ bản như vệ sinh cá nhân, cách ăn uống và cư xử trước đám đông. Cuối cùng, đừng bao giờ từ bỏ con của mình”, Lim tâm sự.