Tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi 23 tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, đặc biệt các nơi đang giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội để kịp thời phát hiện nguồn lây.
23 tỉnh, thành phố bao gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Phú Yên, Sóc Trăng.
Bộ Y tế cho rằng thời gian qua, các địa phương, nhất là các nơi đang giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội đã đẩy mạnh việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng chống dịch.
Để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây, hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng. Tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ.
Tại khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao từ nay đến ngày 15/9, nhân viên y tế đến tận nhà từng hộ dân để lấy mẫu xét nghiệm, ít nhất ba lần (2-3 ngày một lần). Phương pháp là test nhanh kháng nguyên mẫu đơn hoặc PCR mẫu gộp theo từng gia đình.
Khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tại nhà tất cả người dân từ 5 đến 7 ngày một lần, bằng phương pháp PCR mẫu gộp từng gia đình.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... tại cộng đồng và khi họ đến bệnh viện.
Nhân viên, người lao động tại bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người cung cấp dịch vụ thiết yếu... xét nghiệm 3 ngày một lần.
Bộ Y tế yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu. Tăng cường hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đã được tập huấn.
Khi tổ chức lấy mẫu, cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Thực hiện việc gộp mẫu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR phù hợp với tình hình thực tế.