Theo GS.TS. Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển, trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 đội ngũ trí thức sẽ là những người tiên phong nắm lấy khoa học kỹ thuật hiện đại và truyền bá, động viên cho các nhóm xã hội khác.
Theo ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới thì: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Ngày 18/7/2018 vừa qua tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức “Diễn đàn đa phương Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập”.
Gia Đình Mới đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển, một người đã tham gia trả lời trong Diễn đàn. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa bà, Cách mạng công nghệ 4.0 có quan hệ thế nào với Việt Nam?
GS.TS. Lê Thị Quý: Từ định nghĩa của ông Klaus Schwab thì Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Quan điểm của chính phủ Việt Nam qua phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì Việt Nam phải nắm lấy cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tôi nhận thấy quyết tâm của Chính phủ, đó là: chúng ta không còn con đường nào khác là phải tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đối mặt với những cơ hội và thách thức của nó. Điều này giống như một con tàu, nếu chúng ta không lên tàu sẽ bị bỏ lại.
PV: Bà đánh giá thế nào về tình hình nước ta hiện nay?
GS.TS. Lê Thị Quý: Cách mạng công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu của thế giới nhưng có rất ít người Việt Nam hiểu về nó. Đây đó trên một số Diễn đàn người ta nói về nó nhưng thuật ngữ mới này chưa thực sự phổ biến trong dân chúng ngay cả trong giới trí thức.
Điều này là cản trở lớn nhất của chúng ta đến với Cách mạng công nghệ 4.0. Phải làm thế nào cho người dân Việt Nam hiểu được nó mới có thể tiến tới sử dụng nó.
Trước hết, phải khẳng định vai trò dẫn đường (leading) của đội ngũ trí thức là rất quan trọng. Chính họ sẽ là những người tiên phong nắm lấy khoa học kỹ thuật hiện đại và truyền bá, động viên cho các nhóm xã hội khác.
Tôi đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Diễn đàn. Trí thức Việt Nam đang đứng ở đâu? đã sẵn sàng để nắm được những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 chưa? Nếu đội ngũ trí thức đủ mạnh, chúng ta có thể nắm được cơ hội và ngược lại, chúng ta sẽ thua thiệt, sẽ bị đẩy lùi.
PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn về những khó khăn, thách thức mà trí thức Việt Nam phải đối mặt?
GS.TS. Lê Thị Quý: Hiện nay chúng ta vừa thiếu lại vừa yếu về chất xám. Hiện tượng này thể hiện trên ba phương diện: Thứ nhất, chính sách “Trọng dụng người tài“ của Nhà nước không phát huy được hiệu quả.
Người tài nhiều nhưng họ không được hưởng chính sách gì đặc biệt của Nhà nước nên đồng lương quá thấp và không có đủ điều kiện để làm việc và phát triển, đấy là chưa kể họ còn bị những kẻ bất tài chèn ép, khống chế;
Vì thế nó đẩy tới tình trạng thứ hai là chảy máu chất xám. Nhiều học sinh du học tại nước ngoài không muốn về nước cũng vì đồng lương thấp và không có điều kiện làm việc;
Thứ ba là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong đội ngũ trí thức. Chỉ có 8% nữ giáo sư trong tổng số chung nhưng họ cũng không được sử dụng đúng với khả năng và học hàm của họ.
Tương tự như vậy, các nữ phó giáo sư, tiến sỹ đang rất phải chật vật trên con đường thăng tiến và tuổi nghỉ hưu của phụ nữ trí thức là sớm hơn nam giới 5 năm. Những vấn đề phân biệt, kỳ thị về giới sẽ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực và chất xám của nữ trí thức.
Những khó khăn trên ai cũng thấy nhưng tình hình không được cải thiện qua nhiều năm. Nếu cứ như vậy Việt Nam khó có thể tiếp cận và làm chủ Cách mạng công nghệ 4.0.
PV: Xin bà cho biết gia đình sẽ thay đổi thế nào trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0?
GS.TS. Lê Thị Quý: Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong xã hội và gia đình. Đó không chỉ là sự phân hóa về kinh tế mà còn phân hóa về tri thức, văn hóa.
Khi tự động hóa phổ biến thì sẽ có hàng triệu người mất việc làm. Sẽ có những việc làm mới nhưng những việc làm này sẽ đòi hỏi trí tuệ của người lao động cao hơn và đa dạng hơn. Những người nào đáp ứng được sẽ tồn tại còn ngược lại người nào không đủ trình độ sẽ bị đào thải.
Ở nước ta có rất nhiều người lao động giản đơn, trình độ thấp, lao động nhập cư, người khuyết tật. Nếu họ không học hỏi vươn lên và không có chế độ phát triển thích hợp thì số lao động dư thừa sẽ rất lớn. Trong mỗi gia đình cũng sẽ có sự phân hóa. Có những người sẽ nắm được thành tựu của cuộc các mạng này, nhất là những người trẻ.
Trong khi đó người già, phụ nữ, trẻ em sẽ có nguy cơ bị tụt hậu. Hãy thử hình dung, nếu như hiện nay nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình thì làm sao họ vươn lên tiếp cận được Cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này xa xôi như trên cung trăng đối với họ.
Vì thế, Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong gia đình, đặc biệt là giáo dục gia đình. Gia đình không chỉ là tổ ấm của mỗi thành viên mà còn là cái nôi để nuôi dưỡng các nhân tài về cả trí thức lẫn đạo đức.
PV: Theo bà, có những giải pháp gì để giúp cho gia đình và công dân có thể tiếp cận Cách mạng công nghệ 4.0?
GS.TS. Lê Thị Quý: Về giải pháp thì có nhiều và khó. Vấn đề ở đây là phải nâng trình độ của toàn xã hội lên. Việc đầu tiên là phải hướng truyền thông vào phổ biến kiến thức cho người dân về Cách mạng công nghệ 4.0.
Truyền thông (mạng xã hội) hiện nay còn quá chú ý vào việc đưa những tin về đời tư và sinh hoạt của giới nghệ sỹ. Điều đó thật vô bổ và gây khó chịu cho rất nhiều người. Cần phải có các chương trình lành mạnh và có ích cho xã hội hơn.
Hình thức tuyên truyền về Cách mạng công nghệ 4.0 phải rất hấp dẫn và bổ ích, đặc biệt là cho phụ nữ và những người yếu thế khác. Chúng ta phải tạo sự thay đổi mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, cơ chế quản lý đến từng gia đình. Các hoạt động dạy nghề phải được tổ chức sâu rộng hơn. Cần thúc đẩy xã hội học tập thực sự từ trong mỗi gia đình.
Những chính sách khuyến khích và sử dụng người tài phải được thực sự thực hiện chứ không phải chỉ trên giấy. Mỗi cá nhân cũng nên định hướng cuộc sống của mình vào các công việc học tập và sáng tạo và sống có ích cho gia đình và xã hội. Có như vậy Việt Nam mới có thể nắm bắt được Cách mạng công nghệ 4.0
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
GS.TS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương; là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới và cùng với Viện Nghiên cứu Thanh niên lập những mô hình hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân trở về tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương từ những năm 1997 - 2000.
Ở Việt Nam, GS.TS Lê Thị Quý còn là nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học Giới, Lí thuyết Nữ quyền, Gia đình học, Xã hội học gia đình.
Năm 2005, GS.TS Lê Thị Quý là một trong 1.000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh không mệt mỏi cho bình đẳng giới và nữ quyền.
Bà đã có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến Giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình.
Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam. Bà là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.