Cha mẹ nên dạy trẻ “không nên so sánh với những người ở vị trí thấp hơn mình rồi an tâm mà hãy cạnh tranh với những người ở vị trí cao hơn.
Đây là đúc kết sau nhiều năm mở trường luyện thi Assist của ông Sataru Imamura – cử nhân khoa Luật Đại học Hokkaido, Giám đốc sở nghiên cứu – đào tạo các nhà khởi nghiệp Nhật Bản đồng thời là tác giả cuốn sách Thói quen quyết định thành tích của trẻ.
Trường luyện thi Assist của tác giả Satura Imamura ban đầu hoạt động dưới dạng trung tâm dành cho trẻ bỏ học, những đứa trẻ không có ước mơ, không có sinh khí, không biết xúc động. Sau đó được đánh giá là một trung tâm giúp trẻ có hứng thú, động lực trong cuộc sống “nên dần dần những trẻ bình thường cũng đến đăng ký học.
Phương pháp giáo dục Satura Imamura áp dụng cho trường Assist được trình bày cụ thể trong cuốn sách Thói quen quyết định thành tích của trẻ.
Đó là “Giúp trẻ có ước mơ và mục tiêu, rèn luyện thói quen tốt và cổ vũ ủng hộ chúng”. Theo ông, nghe qua đây có vẻ là một phương pháp rất đơn giản nhưng khi áp dụng phương pháp này, trẻ có thể tiến bộ một cách đáng ngạc nhiên. Cũng trong cuốn sách, tác giả còn nhấn mạnh về giáo dục luyện thi.
Cuốn sách "Thói quen quyết định thành tích của trẻ".
Phương pháp giáo dục thói quen tốt cho trẻ
Theo tác giả Satura Imamura, giáo dục thói quen gồm 3 yếu tố lớn: “Giáo dục ước mơ và cảm xúc”, “Giáo dục thái độ” và “Giáo dục tri thức”.
Hiện nay, có nhiều trẻ hiểu lý lẽ và logic nhưng lại không thể hiểu được trái tim mình. Thậm chí, có nhiều trẻ “không hề cảm động trước bất cứ thứ gì”.
Trong khi đó, với trẻ những phẩm chất quan trọng nhất cần có là “có ước mơ”, “có trải nghiệm về cảm xúc”, “có mục tiêu cụ thể” và có “khả năng đồng cảm”. Vì vậy, ở nhà hay trường học, cha mẹ và thầy cô cần rèn luyện cho trẻ thói quen viết ra những mục tiêu và ước mơ cụ thể của mình.
Khi có ước mơ, cảm xúc, sự tự tin, trẻ sẽ thay đổi tích cực và dần tiến bộ. Tuy nhiên, “để giúp trẻ có ước mơ và mục tiêu không đơn giản”.
Cha mẹ, thầy cô cần tạo ra nhiều cuộc nói chuyện, giao tiếp với trẻ. Việc gặp những người tốt sẽ giúp trẻ biết cảm nhận, đồng thời cũng giúp trẻ có ước mơ, mục tiêu. Các trường học cần tổ chức các buổi trò chuyện giữa trẻ với các doanh nhân, các cầu thủ hay những người có nghị lực, thành tựu.
Tác giả Satura Imamura cũng đưa ra lời khuyên, hãy tôn trọng mong muốn của trẻ. Bởi ước mơ chính là sức mạnh của con người. Khi trẻ biết mình muốn gì sẽ có động lực biến ước mơ thành hiện thực.
Vì vậy, “việc nuôi dạy trẻ trở thành những người biết chịu đựng và kiên cường vô cùng quan trọng, do đó giáo dục ước mơ và cảm xúc sẽ giúp trẻ cảm nhận được tầm quan trọng của việc biết mình muốn gì”.
Về giáo dục thái độ, khi trẻ có thái độ tốt trẻ sẽ trở nên tích cực hơn. Và “những đứa trẻ tiến bộ thường là những đứa trẻ có thái độ tốt trong mọi vấn đề”.
Cuốn sách bao gồm 5 chương, có nhấn mạnh đến giáo dục luyện thi
Theo tác giả Satura Imamura, “Rèn luyện thái độ tốt” gồm rèn luyện: “thói quen có cách cảm nhận tốt”, “thói quen dung từ ngữ đẹp”, “thói quen có những thái độ tốt”, “thói quen có tư thế tốt”, “thói quen có hành động tốt”, “thói quen có biểu cảm tốt”,…
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy trẻ “không nên so sánh với những người ở vị trí thấp hơn mình rồi an tâm mà hãy cạnh tranh với những người ở vị trí cao hơn”.
Để giáo dục tri thức cho trẻ, trước tiên cha mẹ cần nhận thức rõ thói quen của mình có sức lây truyền mạnh mẽ cho con. Nếu cha mẹ không thay đổi thói quen của mình thì trẻ cũng không thể thay đổi. “Trẻ chính là tấm gương phản ánh của chính cha mẹ”.
Cha mẹ hãy dạy trẻ “nên” làm gì thay vì nhẹ nhàng nói “Không cần để ý”, “Đừng gắng sức”, “Đừng phản đối”, “Đừng chịu đựng”.
Với phương pháp giáo dục tác giả Satura Imamura đưa ra, để tăng năng lực học tập và giúp trẻ tiến bộ thì cần rèn luyện cho trẻ 4 thói quen: “Để tâm mọi thứ”, “Cố gắng”, “Phản đối”, “Chịu đựng”.
Satura Imamura cũng đưa ra 4 bước để rèn luyện thói quen tốt cho trẻ. Trước tiên cần khiến trẻ cảm nhận rằng “Cứ như thế này sẽ không ổn”, bước thứ hai khiến trẻ suy nghĩ rằng “Mình muốn thay đổi”. Tiếp đến giúp trẻ quyết tâm “Mình sẽ thay đổi!”, và cuối cùng là “luyện tập lại để giữ được thói quen mới hình thành”.
Cũng trong Thói quen quyết định thành tích của trẻ, tác giả đưa ra những điều cần làm để thi đỗ kì thi vào trung học cơ sở, phương pháp học giáo trình khác biệt giúp tăng năng lực của trẻ, cách xây dựng thói quen tự giác học tập dù không có cha mẹ ở bên,…