Giáo viên từng trường THCS ở Hà Nội đã đọc, tham khảo và bình chọn bộ sách giáo khoa lớp 6 phù hợp với Hà Nội nói chung và từng trường nói riêng. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội vẫn chưa có thông tin về việc chọn bộ sách giáo khoa lớp 6 cho năm học tới 2021-2022.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc chọn sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được áp dụng theo quy trình các nhà trường tổ chức cho giáo viên lựa chọn SGK để giảng dạy cho phù hợp tiêu chí của địa phương mình. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh/thành thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Sau khi hội đồng lựa chọn sẽ trình UBND quyết định.
Hiện nay, UBND một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Phú Thọ, Lào Cai... đã có quyết định về việc chọn bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021-2022 phù hợp với địa phương.
Hà Nội hiện vẫn chưa có quyết định về việc chọn bộ sách giáo khoa nào.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương lựa chọn SGK dựa trên các tiêu chí được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 1157/QĐ-UBND.
2 tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của Hà Nội gồm: SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và SGK phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Ở tiêu chí thứ nhất, SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của Thủ đô Hà Nội và cộng đồng dân cư góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch - văn minh.
SGK có kiến thức hiện đại, cập nhật, có khả năng vận dụng, liên hệ thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển giáo dục toàn diện nhằm đào tạo nguồn lao động có tri thức, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, SGK phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Ở tiêu chí này, đặt ra yêu cầu SGK đảm bảo chất lượng và kế hoạch giáo dục tại cơ sở giáo dục. Trong đó, nội dung SGK có tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Đồng thời, có thể triển khai hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục phổ thông; có tính mở, tạo điều kiện để nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt, sáng tạo…
Ngoài ra, SGK phù hợp với năng lực học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh. Các bài học, chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, bà Lê Thị Hồng Phượng, Hiệu trưởng trường THCS Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, BGH và giáo viên toàn trường đã đọc, tham khảo và nghiên cứu về 3 bộ sách giáo khoa mới lớp 6.
Tháng 3/2021, một số giáo viên được đi tập huấn tiếp cận 3 bộ sách giáo khoa mới lớp 6, nghe các nhà xuất bản giới thiệu các bộ sách. Sau đó nhà trường nhận được các đường link giới thiệu bộ sách để chuyển cho giáo viên tham khảo.
Mỗi trường được cấp phát 3 bộ sách, để ở thư viện để giáo viên khi có thời gian rảnh thì đọc, nghiên cứu. Mỗi giáo viên tự nghiên cứu sau đó trao đổi, thảo luận ở tổ, nhóm và cuối cùng là bỏ phiếu để chọn bộ sách phù hợp".
Đánh giá về sách giáo khoa mới lớp 6, BGH trường Mỗ Lao cho biết, qua việc trao đổi, thống nhất của nhà trường, cho thấy những ưu điểm của cả 3 bộ sách: Hình thức trình bày bắt mắt, hơn hẳn những sách cũ; Nội dung hướng tới sự phát triển năng lực của học sinh, hướng tới việc học sinh chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm tòi kiến thức. Giáo viên chỉ là người dẫn dắt học sinh tìm hiểu kiến thức mới.
Tuy nhiên, giáo viên trường Mỗ Lao cũng băn khoăn về một số nội dung trong chương trình lớp 6 mới có sự thay đổi khá nhiều so với chương trình cũ.
"Ví dụ, bài dạy Phân số thì sang chương Phân số mới tìm bội chung nhỏ nhất và quy đồng nhưng giờ đưa ngay vào bài bội chung nhỏ nhất và giới thiệu quy đồng, phân số.
Mình nghĩ có thể do lộ trình đổi mới từ lớp 1 đến hết lớp 12, có thể chăng chương trình phổ thông mới dưới Tiểu học đã được giới thiệu rồi nên chương trình lớp 6 sẽ nối thôi.
Nhưng điều lo lắng là các học sinh năm tới lên lớp 6 thì học 5 năm từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình cũ, năm nay sang lớp 6 thì đột ngột học chương trình mới, sách mới, có lẽ sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức cho các con. Nên chăng, chương trình giáo dục phổ thông mới nên thực hiện của khối Tiểu học trước, rồi chuyển sang khối THCS".
Cô giáo Trương Thị Liên, Hiệu trưởng trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) cũng nhận định, hiện nay giáo viên khi nghiên cứu về sách giáo khoa mới thấy rõ những ưu điểm và những bất cập trong chương trình của sách. Ví dụ như môn Ngữ Văn, về ưu điểm, ngoài vẻ bề ngoài đẹp mắt, sinh động thì sách mới lựa chọn các văn bản phù hợp, phần tích hợp nội môn khá rõ rệt hơn sách cũ.
Điểm bất cập dễ nhận thấy, ví dụ như ở môn Ngữ Văn, ngay lớp 6, ở học kỳ 1 đã phải học 3 thể loại: Tự sự, Miêu tả, Nghị luân. Mỗi chủ đề học 1 thể loại. học sinh sẽ rất khó để theo kịp. Trong khi chương trình cũ 1 học kỳ chỉ học một thể loại mà thôi.
Cô giáo Liên cho rằng, chương trình sách giáo khoa giáo viên cũng nhìn thấy ở môn này, bài kia còn những bất cập. Hãy lắng nghe ý kiến đóng góp của cơ sở, nếu thấy hợp lý thì giải quyết những khúc mắc đó, sau đó hãy ra một bản sách giáo khoa chuẩn, đảm bảo cơ bản giáo viên có thể chấp nhận được, thay vì cách làm hiện nay là đang theo theo kiểu vừa làm vừa sửa.
Việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 căn cứ theo đề xuất tổng hợp từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thủ đô và danh mục sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phê duyệt.