Trẻ em luôn không ngừng khiến chúng ta ngạc nhiên. Mới đây, 1 thành viên trên Quora đã đặt câu hỏi 'Điều đáng yêu nhất mà con bạn từng nói với bạn là gì?' và có một giáo sư đã kể câu chuyện tuyệt vời.
Giáo sư Vật lý Richard Muller đến từ Đại học California tại Berkeley đã quyết định tiến hành thí nghiệm kẹo dẻo với cháu gái 3 tuổi của mình và nhận được kết quả không ngờ.
Thí nghiệm này vốn được sử dụng để kiểm tra một đứa trẻ sẽ có khả năng thành công như thế nào về sau, nhưng thay vào đó, giáo sư đã hiểu được cháu gái mình có một trái tim ấm áp đến thế nào.
Trên diễn đàn Quora mới đây xuất hiện một câu hỏi: "Điều đáng yêu nhất mà con bạn từng nói với bạn là gì?"
Và câu trả lời của ông Richard Muller:
Với ông Richard, câu nói đáng yêu nhất ông từng nghe à "Ông ơi, ông có muốn một cái không ạ?"
"Không phải con mà là cháu gái 3 tuổi của tôi, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể tính.
Tôi đã đọc về thí nghiệm kẹo dẻo. Bạn cho đứa trẻ một viên kẹo dẻo và nói nếu đứa bé (trong ví dụ này là Layla) có thể kiên nhẫn chờ đợi và không ăn kẹo ngay trong 10 phút thì sẽ được viên thứ hai.
Vậy là tôi đã làm thí nghiệm này với cháu gái mình (nhưng không dùng kẹo dẻo mà dùng chocolate, món mà con bé rất thích).
Theo kết quả nghiên cứu thì những đứa trẻ "vượt qua" thí nghiệm kẹo dẻo sẽ thành công hơn về sau.
Chúng học được cách chống lại cám dỗ và trì hoãn cảm giác thỏa mãn, do đó có thể đạt thành công xa hơn sau này.
Con bé ngồi và nhìn thanh chocolate. 10 phút cuối cùng cũng hết, và con bé đã thành công. Con bé hỏi xin thanh thứ hai.
Tôi đưa nó cho cháu gái, vậy là trong tay con bé có hai thanh chocolate. Lúc này, cháu tôi ngẩng đầu nhìn tôi và hỏi: "Ông ơi, ông có muốn một cái không ạ?"
Không cần nói gì cả, kể từ giây phút đó, tôi sẽ sẵn sàng trao cả cuộc đời cho cháu gái."
Câu chuyện của vị giáo sư khiến nhiều người xúc động. Thành viên có biệt danh harytardigrade bình luận: "Trời ơi, cô bé đã hủy luôn thí nghiệm rồi".
Thí nghiệm kẹo dẻo – Hiệu ứng của sự cám dỗ
Một thí nghiệm về kẹo dẻo nổi tiếng được tiến hành với những đứa trẻ 4 tuổi vào những năm 1960 bởi Walter Mischel, giáo sư tâm lý học của Đại học Stanford. Ông ấy đặt kẹo dẻo lên chiếc bàn trước mặt một đứa trẻ và nói rằng ông ấy cần phải ra ngoài trong vài phút.
Đứa bé được phép ăn viên kẹo dẻo đó khi ông ấy đi khỏi, nhưng nếu nó có thể đợi đến khi ông ấy trở lại thì ông ấy sẽ cho nó hai viên kẹo dẻo. Rồi ông ấy ra ngoài, một máy quay phim đã ghi lại những sự việc xảy ra sau đó.
Tiến sĩ Mischel hứng thú với tìm hiểu điều gì đã khiến một vài đứa trẻ có thể trì hoãn thời điểm ăn kẹo trong khi những đứa khác lại đầu hàng. Đa số bọn trẻ không chịu nổi trong vòng chưa đến 3 phút.
Tuy nhiên, vài đứa có thể chịu được trong suốt 20 phút cho đến khi giáo sư quay lại. Và kết quả là chúng được thưởng không chỉ là thêm một viên kẹo nữa.
Như một nghiên cứu tiếp theo sau đó cho thấy, những đứa trẻ này có những mối quan hệ tốt đẹp hơn, đáng tin cậy hơn, và thậm chí là ghi được trung bình 210 điểm cao hơn trong kỳ thi SAT so với những đứa trẻ không thể chống lại cám dỗ của viên kẹo dẻo.
Vậy thì đâu là bí quyết của những đứa kiềm chế được? Chúng có ý chí hơn? Có kỷ luật hơn? Hay có lẽ chúng không thích kẹo lắm? Có lẽ chúng sợ?
Hóa ra không có nguyên nhân nào đúng cả. Mà là phương pháp.
Sự phân tâm.
Thay vì chú tâm vào việc không ăn kẹo dẻo, chúng đã bịt mắt lại, ngồi dưới gầm bàn, hoặc hát một bài. Chúng không kháng cự lại mong muốn. Chúng đơn giản chỉ tránh né nó.
(Theo Peter Bregman, trích đoạn sách “18 Phút”)