“Dạy trẻ tự kỷ là một chặng đường không hề đơn giản. Đó là một hành trình nhiều nước mắt, nhiều khó khăn. Hành trình ấy phải có sự xúc tác từ tâm sức, tình yêu thương” - thầy giáo Hoàng Văn Quyết chia sẻ.
Theo chia sẻ của thầy giáo Hoàng Văn Quyết, người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục Trẻ em Ngày Mới, mỗi em bé tự kỷ là một thực thể vô cùng đặc biệt.
Vì những điều tưởng bình thường ở những em bé khác, với trẻ tự kỷ lại là một điều thần kỳ. Chính vì lẽ đó, những thầy cô dạy trẻ tự kỷ cũng cần đặc biệt không kém.
“Tôi từng tiếp nhận một cậu bé ở Cầu Giấy (Hà Nội). Ngày con được 18 tháng tuổi, bố mẹ cho con đi bệnh viện và được kết luận có dấu hiệu tự kỷ. Tôi đã đến dạy con tại nhà nhưng trong giai đoạn đầu, con không thể làm quen với người lạ, suốt 3 tháng trời cứ nhìn thấy thầy là con khóc, nôn khắp nhà.
Hay có bé, cháu mắc chứng tự kỷ nhưng lại vẽ rất giỏi. Bé có thể vẽ 100 các mẫu logo khác nhau của các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không thể vẽ được một hình tam giác, hình vuông đúng…
Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện rất khác, rất lạ… mà người lớn cần kiên nhẫn tìm hiểu”, thầy Quyết cho biết.
Không đơn thuần chỉ nắm bắt kiến thức chuyên môn, các thầy cô dạy trẻ tự kỷ phải “biến hoá” theo từng tính cách của trẻ.
"Bí quyết quan trọng để dạy một đứa trẻ tự kỷ là phải “xâm nhập” được vào thế giới riêng của trẻ bằng các liệu pháp tâm lý giáo dục và có được hình ảnh một người hướng dẫn vừa khiến trẻ “sợ” cũng vừa khiến trẻ “yêu quý", thầy Quyết cho biết thêm.
Chưa kể, trong lúc giảng dạy, để uốn những cô cậu đặc biệt đó, người thầy phải học những hành động rất nhỏ, có phần kỳ lạ như chơi ghép hình, xâu hạt, nói ạ, nói bà, ngồi ghế, dạy trẻ lè lưỡi…
Rồi mỗi ngày, những hành động đó sẽ phải lặp lại, có khi lên đến cả trăm lần để ghi dấu vào trí nhớ những em bé tự kỷ.
Khi nhắc về hành trình giáo dục chuyên biệt, người ta thường so sánh nó là một quá trình tỉ mỉ và cả thầy - trò đều cần cố gắng mỗi ngày. Nhưng đôi khi, trong hành trình đó, người trong cuộc có lúc phải đánh đổi cả máu và nước mắt.
Không ít người giáo viên phải dành đến 10 tháng dạy một bé biết “ạ”, biết “xin” khi cho kẹo, biết “chào mẹ” khi mẹ đón về… Sau đó, tất cả đều như vỡ oà hạnh phúc khi bé có sự tiến triển, dù vô cùng nhỏ nhặt như biết gọi một tiếng "mẹ", biết tự xúc cơm, biết vẽ hình.
Có khi, nước mắt là sự tủi thân, khi người thầy ngày ngày dồn công sức nhưng trẻ chưa tiến bộ, phụ huynh không thông cảm buông lời trách cứ.
Và với máu, nó có thể xảy ra khi những em học sinh thường hay cắn bạn, cắn thầy cô, bé tự làm tổn thương chính mình.
Tuy nhiên, phía cuối một hành trình dài đầy vất vả ấy, phần lớn trẻ tự kỷ đều có thể hoà nhập tại với các bạn đồng trang lứa.
"Nhiều trẻ bạo dạn hơn, chơi được với các bạn, phát triển gần như bình thường. Những khi đó, với chúng tôi, điều thần kỳ thực sự đến!", thầy Quyết nói.
Thế nhưng, nhắc về trẻ tự kỷ, vẫn còn một thực tế trớ trêu, nhiều trẻ không thể đi học tại các trường bình thường.
“Nhiều bé đã được can thiệp sớm, đã trở thành những bé bình thường nhưng vẫn bị các trường từ chối nhận dạy vì sợ ảnh hưởng đến những bạn khác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, hay những nhận thức sai lầm của người lớn như không cho con mình tiếp xúc với trẻ tự kỷ vì sợ bị “lây” tự kỷ.
Nhưng chúng tôi, những người trồng hạt giống đặc biệt sẽ không bao giờ ngừng cố gắng vì các em”, thầy Quyết cho biết.