Báo chí Trung Quốc đưa tin, ngày 9/2 vừa qua, một người đàn ông nước này đã bị sa trực tràng sau khi dùng điện thoại nửa tiếng trong nhà vệ sinh.
Theo tờ Kan Kan News, bệnh nhân (yêu cầu giấu tên) đã được điều trị tại bệnh viện Đại học Tôn Trung Sơn ở Trung Sơn, Quảng Đông.
Người này nhập viện vào khoảng 1 giờ sáng trong tình trạng không thể đi bộ và phải có sự giúp đỡ của một người bạn.
Các bác sỹ phát hiện một “chiếc đuôi” dài khoảng 16 cm từ hậu môn của người đàn ông và chẩn đoán anh ta bị sa trực tràng – hậu quả của việc sử dụng điện thoại quá lâu trong khi đi vệ sinh.
Được biết, các bác sỹ đã làm phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng bị sa và sau 2 ngày, người đàn ông đã có thể đi lại được, tuy nhiên sinh hoạt hàng ngày sẽ khó khăn và nhiều bất tiện.
Sa trực tràng là tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài lỗ hậu môn – đây là một căn bệnh khá phổ biến, nhất là ở người già và trẻ em.
Căn bệnh này về cơ bản cũng có những nguy cơ và nguyên nhân giống các bệnh như trĩ và táo bón.
Bệnh xuất hiện trên những người thường có tiền sử bệnh đại tràng như viêm đại tràng co thắt, lười uống nước, ngồi nhiều, ít vận động, táo bón lâu năm. Bệnh này chủ yếu chỉ có thể điều trị ngoại khoa, rất đau đớn và khó khăn.
Sa trực tràng thường khiến niêm mạc ruột bị trầy xước và gây ra các ổ viêm chảy máu, lở loét.
Khối sa nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ kẹt lại, cùng với sự co bóp của hậu môn dễ bị viêm nhiễm, tấy đỏ, phù nề lâu dài. Thông thường bệnh này thường gây táo bón và đại tiện ra máu.
Sa trực tràng có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét trực tràng, thắt nghẹt trực tràng ở ống hậu môn, tắc ruột, vỡ trực tràng, sa tử cung/âm đạo, thoát vị đáy chậu, v.v.
Để cải thiện và phòng ngừa bệnh, mọi người nên có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân, tránh để táo bón lâu ngày.