Chính sự kỳ thị, xa lánh, ghẻ lạnh của người thân, bạn bè, những người xung quanh làm một số người bệnh HIV tức tối và có ý định trả thù đời.
BSCKII Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐK Đống Đa cho rằng, đã có thời điểm chúng ta sử dụng những hình ảnh minh họa ghê rợn, lở loét da, gầy còm để nói về bệnh HIV/AIDS làm cho người dân sợ hãi, xa lánh người bệnh.
Nhiều người đã coi HIV là một căn bệnh đáng sợ, vô phương cứu chữa và có thể gieo rắc cái chết cho những người xung quanh. Người bệnh cũng được cho là những con nghiện, khách làng chơi, gái mại dâm với hình ảnh lở loét, da bọc xương, xấu xí nhất có thể.
Thậm chí nhiều nơi người ta còn làm cái chòi để đưa người thân bị nhiễm HIV ra đó sinh sống, tách bạch với gia đình vì sợ lây nhiễm.
Chính vì không hiểu HIV lây nhiễm từ đâu, dẫn đến hậu quả là có người nhiễm HIV chết nhanh hơn vì sự kỳ thị của người thân và sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.
Nhiều trường hợp, người bị nhiễm HIV khi bị sốt về một viêm nhiễm khác, nhưng người thân của họ không đưa tới bệnh viện điều trị, vì cho rằng sốt do bị HIV và thực tế có người bệnh chết vì bệnh khác, không chết về HIV.
Điều đó cho thấy, rõ ràng là sự kỳ thị, thiếu hiểu biết vẫn còn rất lớn trong suy nghĩ của nhiều người dân, thậm chí ngay tại các thành phố lớn vẫn có người hiểu một cách mơ hồ về sự lây lan của căn bệnh này.
Và chính sự kỳ thị, xa lánh, ghẻ lạnh của người thân, bạn bè, những người xung quanh làm một số người bệnh HIV tức tối và có ý định trả thù đời. Điều này là rất nguy hiểm, dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng không thể kiểm soát.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh: “Người dân cần thay đổi nhận thức về bệnh HIV, nó có thuốc chữa như các bệnh mạn tính khác. Ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh nhưng không tuân thủ điều trị, sống cuộc sống không lành mạnh khiến diễn biến bệnh xấu đi nhanh chóng, những bệnh nhân HIV được điều trị đúng phác đồ hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao.
Hơn nữa, nhiều người cũng nghĩ người bị HIV là bị lở loét, gầy gò, xấu xí, nhưng thực tế điều trị cho các bệnh nhân tôi thấy, nhiều người vẫn khỏe mạnh và xinh đẹp như những người không có bệnh. Nếu họ không nói mình bị bệnh thì không ai nhận ra khi chỉ nhìn bề ngoài”.
Điều này có thể thấy rõ ở cô giáo bị nhiễm HIV Nguyễn Thị Hoàn (trường THPT Mỏ Trạng, Bắc Giang). Cô bị nhiễm HIV từ chồng mình và đã điều trị thuốc nhiều năm, đến bây giờ cô vẫn xinh đẹp và khỏe mạnh.
Sở hữu một đôi mắt “biết nói”, cách giao tiếp thông minh, khéo léo nên cách nói chuyện của cô Hoàn rất cuốn hút người đối diện. Chính vì thế mà cô có rất nhiều người thầm thương trộm nhớ dù biết rõ cô mang trong mình căn bệnh HIV.
Thậm chí, không ít lần cô nhận được lời tỏ tình của các cậu học trò khiến cô dở khóc dở cười. Ấn tượng với cô nhất là lời tỏ tình từ cậu học trò cũ kém cô 12 tuổi.
Cô làm chủ nhiệm lớp cậu 3 năm và cũng là từng ấy năm cậu viết nhật ký thổ lộ thích cô giáo nhưng không dám nói.
Cho đến khi rời ghế nhà trường đi bộ đội, sau đó là học cao đẳng cũng chỉ dám viết thư về hỏi thăm sức khỏe cô mà không dám nói thật lòng mình. Mãi đến lúc lớn hơn, chững chạc hơn cậu mới dám thổ lộ rằng, yêu cô giáo từ nhiều năm nay mà không dám nói.
Ngoài những bức thư tình của học trò, cô Hoàn còn nhận được nhiều lời tỏ tình, sự yêu mến của những người khác giới khác. Nhưng có lẽ vì áp lực tâm lý, vì suy nghĩ cho đối phương nên cô chưa dám tiến bước dài hơn.
BSCKII Nguyễn Thái Minh chỉ rõ, HIV có 3 con đường lây nhiễm cơ bản là đường máu, bao gồm qua việc chung kim tiêm chích; quan hệ tình dục; và qua mẹ sang con.
Không phải trường hợp nào tiếp xúc với bệnh nhân HIV qua 3 con đường trên đều có thể lây bệnh. Và không phải bệnh nhân HIV nào cũng xấu xí, lở loét, gầy yếu, đáng sợ…
Mọi người cần hiểu đúng về bệnh, bỏ sự kỳ thị, xa lánh đối với người bệnh. Hiểu bệnh này như một bệnh mãn tính khác, giống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư… cũng phải điều trị thường xuyên hàng ngày, sống tích cực, điều trị tốt lên và biết cách phòng tránh cho cộng đồng.