Không có biển rộng, núi cao nhưng Bắc Ninh được thừa hưởng kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đồ sộ, giàu giá trị mà lịch sử để lại.
Đó là lợi thế cũng là tiềm năng vô giá để Bắc Ninh phát triển ngành công nghiệp không khói, hướng đến xây dựng nền kinh tế du lịch xanh bền vững.
“Du lịch xanh” đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển du lịch ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng.
Đây là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương.
Trong Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050 định hướng phát triển Bắc Ninh trở thành một trung tâm du lịch, văn hóa và sinh thái hấp dẫn của đồng bằng sông Hồng và cả nước, có ý nghĩa quốc tế.
Theo đó, quy hoạch phát triển các trọng điểm mới của đô thị, phát triển vành đai xanh “du lịch, văn hóa và sinh thái” sông Đuống. Lấy sông Đuống làm trung tâm, cụm di tích ở khu vực huyện Thuận Thành gồm lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, khu vực xã Phật Tích (Tiên Du) và các di tích lịch sử văn hóa ở huyện Gia Bình làm hạt nhân với chức năng vành đai xanh, cân bằng sinh thái; vùng cảnh quan, hành lang kết nối Bắc và Nam sông Đuống.
Đây cũng là “xương sống” của bộ khung bảo vệ thiên nhiên, là vùng bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, làng cổ, làng nghề truyền thống và vùng du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng của đô thị Bắc Ninh trong tương lai.
Để thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng xanh và bền vững, Bắc Ninh đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa, đồng thời xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp hệ thống các di tích, tiêu biểu như: Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Lê Văn Thịnh; các tích lịch sử cách mạng như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt...
Nhờ đó du lịch Bắc Ninh hình thành hoạt động tương đối rõ ở hai vùng du lịch trọng điểm với 3 tuyến chính kết nối 24 điểm đến tiêu biểu. Cụ thể, vùng du lịch trọng điểm phía Bắc gồm các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, sự kiện, hút khách chủ yếu trong những tháng đầu năm.
Vùng trọng điểm phía Nam cũng phát triển loại hình du lịch tâm linh, lễ hội và trải nghiệm nông nghiệp làng nghề.Khi phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh ưu tiên vốn đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo tồn di sản văn hoá, đồng thời tập trung đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ các di sản văn hoá với kết cấu hạ tầng, cảnh quan, nhất là đối với các di sản đã xác định để trở thành một điểm đến hoàn chỉnh, phát huy tác dụng thu hút khách.
Kết quả công tác nâng cấp, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đã góp phần hình thành các điểm đến du lịch tiêu biểu như khu đền Đô, đền thờ Kinh Dương Vương, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp... từng bước hoàn thiện hệ thống tuyến điểm du lịch.
Những năm gần đây, tỉnh còn tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả sản phẩm văn hóa du lịch chuyên biệt tại thành phố Bắc Ninh như tổ chức Chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền ở khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, mở tuyến phố đi bộ, khai trương tuyến phố chuyên doanh thời trang về đêm...
Qua đó, bước đầu giải được bài toán giải trí tại trung tâm thành phố Bắc Ninh để giữ chân du khách. Các điểm di tích lịch sử văn hóa cũng được chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Một số sản phẩm du lịch đã được khẳng định thương hiệu như hội Lim trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh với cách thức tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, gắn kết với các sự kiện văn hóa cùng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách về tham gia. Hoặc như các lễ hội đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp...
Cùng với xây dựng và thực hiện hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù, ngành du lịch Bắc Ninh cũng mở hướng đi mới, tiếp cận các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, hình thành các khu thực nghiệm nông nghiệp cao như khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Việt Đoàn, trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Delcofarm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Dabaco...
Du lịch xanh là “chìa khóa” của phát triển bền vững, vì vậy, việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, văn minh tại các di tích lịch sử văn hóa được ngành du lịch Bắc Ninh xác định là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng điểm đến, tăng sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà.
Sự chuyển biến trong nhận thức và tinh thần chủ động của các thành phần tham gia du lịch, từ nhà quản lý các cấp, doanh nghiệp tới cộng đồng và du khách chính là tiền đề cơ bản để Bắc Ninh đạt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, văn hóa và sinh thái hấp dẫn như tầm nhìn định hướng trong Quy hoạch vùng đã được Chính phủ phê duyệt.