Đợt nắng nóng kéo dài hơn một tuần nay đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh mãn tính. Hiện các bệnh viện đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ do nắng, nóng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, năm 2018 đỉnh điểm nắng nóng ở khu vực phía Bắc có thể lên tới 40 độ , ở khu vực Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt, lên đến 42 độ C.
Những cái chết không đáng có vì nắng
Cuối năm 2017, cả nước ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi ngờ do đột quỵ nắng. Đầu tháng 6/2017, một phụ nữ 60 tuổi điều khiển xe máy trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ tạt vào lề đường và ngồi bệt xuống vỉa hè. Bỗng nhiên, người này gục xuống đất bất tỉnh, 15 phút sau nạn nhân ngừng thở.
Cũng cùng đợt nắng nóng đầu tháng 6/2017, người dân phát hiện một nam giới bất tỉnh trên trục đường qua thôn Lễ Pháp. Khi cơ quan chức năng có mặt, nạn nhân cũng đã tử vong, mọi người nghi ngờ, nạn nhân chết do nắng nóng.
Nói đến đột quỵ, TS Vũ Quốc Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354 nhớ lại: “Trước đây, có rất nhiều bác sĩ hồi sức tích cực chia sẻ với tôi rằng, khi họ tiếp nhận những bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng. Dù đã bằng mọi biện pháp nhưng họ chỉ có thể trông nạn nhân nặng dần rồi mất”. Có thể khẳng định, đột quỵ do nắng nóng là thể nặng nhất mà nắng nóng tác động tới con người.
Thông thường, thân nhiệt cơ thể luôn duy trì ở mức 37 độ C. Trong những ngày nắng nóng, cơ thể phải thải nhiệt bằng cách ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu... vì nếu cơ thể không tự làm mát thì nhiệt độ cơ thể tăng cao và sẽ dẫn đến nguy hiểm cho cơ thể.
Vào mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao nên cơ thể phải tự thoát nhiệt nhiều, nếu phải tiếp xúc thêm một loại nóng (mặc quần áo quá kín, làm việc nặng nhọc trong môi trường bí bách), cơ thể không ra mồ hôi được do độ ẩm bên ngoài đã bão hoà. Nó sẽ dồn lại nhiệt trong cơ thể gây choáng váng, kiệt sức cho đến sốc nhiệt.
Bác sĩ cho biết, khi cơ thể đã có sự tiến triển của kiệt sức do nắng - nóng mà không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ.
Theo TS Vũ Quốc Bình, đột quỵ do nắng nóng có thể do hai yếu tố như tăng thân nhiệt và nhiễm độc tố vào máu.
Bệnh nhân thường có các biến chứng như nhiệt độ cơ thể tăng rất cao kèm theo biểu hiện rối loạn thần kinh như hoa mắt, chóng mặt, ngủ gật, thẫn thờ, co giật hoặc hôn mê.
Khi có những biểu hiệu trên, nếu không nhanh chóng sơ cứu, bệnh nhân dễ bị suy đa phủ tạng và nguy cơ tử vong rất cao. TS Vũ Quốc Bình lí giải: “Cơ thể con người có rất nhiều vi khuẩn trong đường ruột. Trong điều kiện bình thường, các biểu mô của thành ruột tạo thành hàng rào ngăn cản nội độc tố trong cơ thể vào máu. Tuy nhiên, khi nhiệt độ cơ thể quá cao, trên 41 độ C, những biểu mô này sẽ bị tổn thương, hàng rào “gãy” dẫn đến những vi khuẩn độc tố tấn công máu gây ra suy đa phủ tạng của một số người”.
Nguyên tắc một giờ vàng duy nhất
TS Vũ Quốc Bình nhấn mạnh nguy cơ tử vong của đột quỵ nắng nóng. Ông chia sẻ, người dân cần nắm rõ nguyên tắc giờ vàng trong đột quỵ nắng nóng để bảo vệ bản thân. Vì nếu quá giờ vàng, mọi cứu chữa đều vô vọng. Vì vậy, khi thấy một bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, người thân cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nới bỏ quần áo, báo ngay cho nhân viên y tế cấp cứu. Nếu nạn nhân đã ngừng hô hấp, cần thực hiện ép tim, hô hấp nhân tạo.
Đặc biệt, áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ lõi cơ thể, bằng việc nới lỏng quần áo, tưới nước mát lên cơ thể với tốc độ nhanh qua toàn bộ bề mặt cơ thể. Chú ý, người thân chỉ ngâm mình với đối tượng trẻ tuổi, không sử dụng với người già, có thể dùng biện pháp phun sương với người cao tuổi.
Những trường hợp không có cải thiện, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu gần nhất.
Theo TS Vũ Quốc Bình, cách đề phòng tốt nhất cơ thể khỏi nguy cơ đột quỵ chính là bù đủ nước, đủ điện giải, ổn định nhiệt độ cơ thể. Trong đó, uống nhiều nước có vai trò vô cùng quan trọng.
“Người dân cần bủ đù nước trước, trong và sau khi lao động, tập luyện. Cần uống nước thường xuyên một lượng nhỏ (khoảng 100-150 ml) cách nhau khoảng 15 - 20 phút/lần.
Những người hoạt động thể lực nhiều nên sử dụng nước có thêm điện giải, pha thêm muối, nhiệt độ nước khoảng 15 - 25 độ C. Cách nhận biết đủ nước hay không có thể nhìn qua nước tiểu, nếu màu sắc nước tiểu trắng, trong, hết cảm giác khát là đủ nước”.