Theo chuyên gia tâm lý Trần Mạnh Linh: “Đội 'sao đỏ' là một sáng kiến đã không còn phù hợp, nên bỏ đi từ lâu. Nếu để duy trì sẽ hình thành cho các bạn sao đỏ tính hống hách, cầm quyền từ nhỏ...”
Mới đây, sự việc một nam sinh lớp 6, trường THCS Duy Ninh (ở Quảng Bình) nói tục trong giờ ra chơi bị bạn "sao đỏ" phát hiện báo với giáo viên chủ nhiệm và em học sinh này bị phạt với hình thức các bạn trong lớp và cô giáo tát vào má 231 cái, phải nhập viện điều trị.
Sự việc xảy ra gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua và nhiều ý kiến cho rằng có nên hay không để đội "sao đỏ" tiếp tục hoạt động trong trường học? Vì việc duy trì đội "sao đỏ" sẽ thúc đẩy nguy cơ học sinh săm soi bắt lỗi bạn học để mách thầy cô giáo.
Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology cho rằng, với xã hội phát triển như hiện nay, đội "sao đỏ" là một sáng kiến đã không còn phù hợp, nên bỏ đi từ lâu. Bởi nếu để duy trì sẽ hình thành cho các bạn "sao đỏ" tính hống hách, cầm quyền từ nhỏ.
Dẫn chứng rõ hơn về điều này, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh chia sẻ: “Khi làm trong trường học tôi đã tham vấn cho nhiều trường hợp, trong đó việc bạn bè mua chuộc nhau là không ít.
Đơn cử như để bạn "sao đỏ" đỡ ghi tội mình, nhìn thấy mà làm lơ đi thì những học sinh hay mắc lỗi thường để dành tiền ăn sáng mua bim bim, nước ngọt cho bạn. Đôi khi còn là sự cống nạp có thỏa thuận.
Trong hoàn cảnh như vậy, các em học sinh sẽ có suy nghĩ: Bạn "sao đỏ" sẽ được gì? Bạn ấy sẽ được bắt nạt các bạn khác, được hình thành tính săm soi bạn khác, được các bạn sợ và ghét hơn là được ngưỡng mộ.
Hơn nữa, là con người không ai có thể không bao giờ mắc lỗi, nhất là học trò nhỏ tuổi thì mắc lỗi cũng là một phần trong quá trình phát triển.
Như vậy, thành tích và nội quy nhà trường khi bị sử dụng khuôn mẫu sẽ trở thành hà khắc, đẩy học trò và giáo viên đến chỗ sai lầm.
Mục đích có đội "sao đỏ" để hỗ trợ thực hiện nội quy trường lớp nhưng với cách hỗ trợ này lại tạo làn sóng ngầm bất an thật lớn cho cộng đồng học sinh, nhất là các học sinh nhỏ tuổi. Đội "sao đỏ" không có lỗi nhưng nó không phù hợp cho một trường học bình an”.
Và tình huống bạn "sao đỏ" phát hiện học sinh mắc lỗi trong giờ ra chơi rồi mách cô giáo chủ nhiệm nên học sinh bị phạt tát vào má cũng cần hiểu ở nhiều khía cạnh.
Ở phía cô giáo, khi biết học sinh mắc lỗi mà đưa ra hình phạt tát học sinh 231 cái cho thấy đây là hành vi phi giáo dục, phi đạo đức của người làm thầy, nhưng một mặt cũng cho thấy cô giáo quá bị áp lực bởi thành tích, chạy theo thành tích nên áp lực lại thêm áp lực.
Về phía học sinh bị đánh tổn thương thể xác, tinh thần là rõ ràng. Còn đội "sao đỏ", cụ thể là bạn "sao đỏ" bắt lỗi học sinh trong giờ ra chơi chính là yếu tố thúc đẩy nguy cơ.
Một hành vi chưa phù hợp của đội "sao đỏ" sẽ tác hại lên tâm lý và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Trẻ sẽ học tính xấu của việc sử dụng quyền lực vượt quá mức.
Săm soi bạn học trong cả giờ ra chơi để phát hiện những lỗi của bạn cùng lớp cùng trường rồi mách với thầy cô sẽ làm mất đi sự trong sáng và ngây thơ của trẻ em, làm trẻ trở thành người ảo tưởng về “uy quyền” gây ra sự tiêu cực.
Thay vì sử dụng đội "sao đỏ" để quản lý học sinh, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh đưa ý kiến: “Đội "sao đỏ" nên được thay thế bằng các hình thức khác tích cực hơn.
Ở nhiều trường học tại Hà Nội và tỉnh Nam Định tôi đã có dịp hỗ trợ nhiều trường thành lập tổ hỗ trợ học sinh thông qua hoạt động tâm lý học đường.
Hoạt động tâm lý học đường chuyên nghiệp sẽ là nơi các em được hiểu, được chia sẻ, trường học sẽ có môi trường bình an, lớp học hạnh phúc.
Khi học sinh được sống trong bình an và hạnh phúc thì không cần có đội "sao đỏ" học sinh vẫn nỗ lực từng ngày”.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh có kinh nghiệm làm việc gần 10 năm với học sinh, sinh viên, thầy cô, nhà trường, cha mẹ học sinh và các nhóm cộng đồng yếu thế tại trường thực hành của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mạnh Linh School Psychology cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý trường học. Trong hoạt động của, Mạnh Linh Psy luôn chú trọng việc hỗ trợ các trường học triển khai hoạt động tâm lý trong nhà trường.
Là một trong những người thực hành tâm lý học trường học lứa đầu tiên của Việt Nam, chúng tôi có những hỗ trợ thiết thực trên chính sự học tập, nghiên cứu và thực hành .
Việc hỗ trợ nhà trường xây dựng môi trường trường học bình an, hạnh phúc để học sinh có mỗi ngày đi học là một ngày vui được chúng tôi đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn qua tâm tới việc hỗ trợ cho cá nhân học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh gặp khó khăn trong các lĩnh vực: học tập như: học lệch, học yếu, chán học..., các lĩnh vực mối quan hệ với bạn bè, với cha mẹ, với thầy cô..., các lĩnh vực phát triển bản thân như: hướng nghiệp, trắc nghiệm trí tuệ, trắc nghiệm tính cách...