Với đôi dép cao su được chế tạo đặc biệt, người đàn bà 35 tuổi di chuyển bằng đôi chân bị cắt ngang bắp hết đi chợ mưu sinh lại đều đặn đi dọc các hành lang bệnh viện, chăm sóc chồng bị liệt nửa người...
Không ít những ánh mắt tò mò đổ dồn vào chị, nhưng chị chỉ nhìn thẳng, thi thoảng gặp người cùng phòng bệnh hay các y bác sĩ chị mới mỉm cười.
Hai con người, một số phận
Vụ tai nạn giao thông tại ngã tư đèn xanh, đèn đỏ 14 năm trước đã khiến anh Dương Văn Cường (quê Thái Nguyên) bị đứt ruột, hỏng 1 bên thận, gãy 2 xương sườn và liệt tuỷ sống.
Sau 1 năm tích cực điều trị ở bệnh viện Việt Đức, anh Cường về nhà tiếp tục hồi phục sức khoẻ với sự chăm sóc của người vợ đầu.
3 năm sau, người vợ này bỏ đi, cắt đứt mọi liên lạc và để lại 2 đứa con thơ, 1 đứa 6 tuổi, 1 đứa 3 tuổi.
Đến tận bây giờ, anh Cường chỉ biết, người vợ đó đã sang Trung Quốc lấy chồng và đã có con.
‘Người ta đã bỏ mình đi rồi thì thôi mình chẳng níu kéo làm gì. Con dứt ruột đẻ ra mà còn chẳng đoái hoài gì nữa là mình, một người không còn nguyên vẹn’, anh Cường nghẹn lòng khi nghĩ về người vợ đầu của mình.
Một số phận khác là chị Đào bị tật nguyền bẩm sinh, không đi lại được như người bình thường mà phải bò hoặc di chuyển bằng 2 đầu gối.
Sau cuộc phẫu thuật vào năm 20 tuổi, chị có thể đi lại bằng chính đôi chân của mình và tự trang trải cuộc sống bằng nghề may.
Tưởng rằng cuộc đời của chị sẽ từ đó mà tươi đẹp hơn. Thế rồi, 10 năm sau, chị bị nhiễm trùng, bác sĩ chỉ định phải cắt ngang bắp chân.
Giống như anh Cường, người đầu ấp tay gối đã bỏ 3 mẹ con chị Đào đi, bặt vô âm tín.
Duyên số đưa đẩy anh Cường và chị Đào gặp nhau trong 1 lần cùng đi bán tăm ở chợ.
Đồng cảm với hoàn cảnh của đối phương, thường xuyên tâm sự, chia sẻ những nhiều điều trong cuộc sống, 2 con người không may mắn có ý nghĩ dọn về chung 1 nhà.
Chị Đào quyết định từ quê nhà Tuyên Quang theo anh Cường về Thái Nguyên trong sự phản đối của gia đình, người thân cùng những lời xì xào của hàng xóm và ngay cả đứa con của chị cũng không đồng ý cho mẹ đi bước nữa.
Chị tâm sự, con gái lớn sợ mẹ khổ, nhất định không muốn mẹ đến với chú Cường. Khi đó, chị đã hết lời thuyết phục: Mẹ không hy vọng gì cả, chỉ biết nếu lấy chú Cường thì mẹ và chú ấy nương tựa vào nhau, cùng nuôi các con khôn lớn.
Vượt qua tất cả những lời dị nghị, năm 2012, anh Cường và chị Đào nên duyên vợ chồng.
4 đứa con, 2 dòng máu nhưng chị không hề phân biệt tình yêu thương con chồng, con đẻ. Với chị, đã chấp nhận đến với anh Cường là yêu thương con của anh như con ruột, không phân biệt gì cả. Chị tin anh Cường cũng có suy nghĩ như vậy.
‘2 đứa ở cùng anh chị, 2 đứa chị gửi nhà ngoại ở Tuyên Quang, chúng ít có dịp gặp nhau lắm nhưng cứ hễ hè quây quần là lại vui như Tết ý’, chị Đào chia sẻ.
2 đứa lớn cùng sinh năm 2001 đã nghỉ học, 1 đứa đi làm ở khu công nghiệp Bắc Ninh, 1 thằng ở nhà chăn con lợn, con gà. Còn 2 đứa bé, chị chỉ mong chúng học hành tới nơi tới chốn.
‘Nốt hôm nay ở đây với bố mẹ thôi, mai về chuẩn bị vào năm học mới, phải chăm học chứ đừng bỏ ngang đấy nhớ chưa?’, chị Đào chưa nói xong thì bé Luận năm nay lên lớp 8 chạy đi mất.
Đây là điều chị trăn trở nhất về 2 đứa con bé.
Ăn cơm viện nhiều hơn cơm nhà
Anh Cường vừa ‘khoe’ chiến tích phẫu thuật vừa chỉ tay vào từng vết cộm trên da: Đây là vết sẹo dài mổ nối ruột, đây là vết mổ sỏi thận cuối năm 2016…
Những lần mổ cùng chằng chịt vết sẹo ngắn, dài nhưng anh Cường luôn lạc quan: ‘Lên bàn mổ thì mình còn sợ gì nữa, cũng có lo lắng nhưng thôi trăm sự nhờ các y bác sĩ’.
Còn chị Đào, đây không phải lần đầu tiên chị ký vào giấy cam kết nhưng vẫn thấy run, phải xoá đi viết lại nhiều lần.
Đi đâu cũng chỉ có chị chăm anh, một mình chị lo toan sinh hoạt cho cả 2 vợ chồng mỗi lần đi viện. ‘Khó khăn thì mình phải khắc phục thôi, chứ nhà bây giờ cũng chẳng có ai. Chỉ mong lúc đi có 2 vợ chồng, khi về vẫn còn cả 2’, chị Đào vừa dùng chiếc nạng lấy khăn mặt vừa thổ lộ.
‘Mẹ ơi, nhà mình có nhiều cơm hơn nhà bác này’, bé Luận chạy lăng xăng quanh khay đựng cơm. Anh Cường và chị Đào cùng cười, suất cơm nhà mình là suất ăn đặc biệt.
Biết và thông cảm với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 vợ chồng, các y bác sĩ và nhiều người nhà các bệnh nhân khác ở viện luôn tạo điều kiện giúp đỡ, quan tâm.
Anh Cường kể, lần ra viện trước, 1 bác sĩ hỏi tiền từ viện về quê là bao nhiêu rồi vận động một số người trong khoa quyên góp tặng anh chuyến xe 7 chỗ.
‘Trong cuộc sống, không ai toàn vẹn cả. Mình không may bị thế này nhưng lúc nào cũng phải lạc quan lên, nghĩ tới mấy đứa con mà cố gắng sống để chúng còn có bố’, anh Cường bộc bạch.
‘Con bố Cường đâu, ra đây ông cho tôm’, 1 người nhà bệnh nhân giường trong gọi với ra. Lát sau, bé Luận vui sướng mang về 1 phần tôm được chia sẻ.
Không chỉ những người cùng phòng bệnh mà nhiều y bác sĩ ở đây mua cơm ngoài ăn còn nhường tiêu chuẩn của mình cho nhà anh.
Bao giờ cũng thế, cho anh ăn uống xong xuôi, lau miệng sạch sẽ, chị Đào mới bắt đầu ăn phần cơm còn lại.
Chị Đào tâm sự, mổ xong lần này chị sẽ không cho anh đi làm nữa, 1 mình chị sẽ cố gắng đi bán được lúc nào hay lúc ấy, có đồng ra đồng vào lo sinh hoạt hằng ngày.
Điều ước của 2 vợ chồng
Những ngày ở viện, chị Đào giống như một người y tá riêng của anh Cường vậy.
Do đi lại nhiều và bất tiện nên y tá đã hướng dẫn chị Đào những bước cơ bản để chị có thể tự thay băng cho anh nếu không có gì nguy hiểm.
Động tác nhanh nhẹn, chị Đào nhanh nhẹn thay bông băng, thuốc đỏ cho anh Cường không chút e dè. Đây dường như là một việc chị đã làm thường xuyên đến mức thuần thục.
Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là thu nhập bấp bênh từ công việc này khiến cuộc sống gia đình 6 người trở nên khó khăn, túng thiếu.
Trước kia 2 vợ chồng cùng đi chợ, anh hát rong còn chị bán những đồ lặt vặt như tăm bông, kẹp tóc…
Những lần đưa anh đi viện tỉnh, chị đều tranh thủ đi loanh quanh bán kiếm tiền trang trải. Nhưng xuống Hà Nội, không quen đường xá nên chị chỉ ở viện chăm sóc anh.
Lần đi viện này, cả nhà có cái xe lam chế bé bé đựng vừa cái xe lăn đã bán mất để lo viện phí. Nghĩ về tương lai, nước mắt chị chảy dài, nét mặt anh thì chùng xuống.
Đó vẫn chưa phải là thứ canh cánh nhất. Vì đôi chân của chị Đào có nguy cơ không giữ được sau một thời gian dài đi bằng đầu gối.
Nằm trên giường bệnh, anh chị tạm gác lại mơ ước có khoản vốn để sau khi về có thể mở cửa hàng tạp hoá nho nhỏ, giờ anh chỉ ước có đủ tiền mua đôi chân giả cho chị Đào vì bác sĩ nói nếu chị tiếp tục đi lại bằng đầu gối vậy 1 thời gian nữa sẽ bị hỏng.
Anh chị khát khao giữ được phần còn lại của đôi chân chị Đào- đôi chân chưa bao giờ biết gục ngã nhưng có thể sẽ không thể trụ vững nữa, trong ngày một, ngày hai...