Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn quả lê?

Quả lê có chứa nhiều dưỡng chất và có chứa các chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ sức khỏe người dùng. Ăn lê còn giúp bạn không lo ốm vặt. Vậy, bạn đã biết ăn lê thế nào cho đúng chưa?

Lê cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng, có ích cho sức khỏe và đặc biệt chữa được một số triệu chứng ốm vặt như ho, sốt.

Từ lâu, người ta đã biết dùng để chữa bệnh và việc này được ghi chép trong các tài liệu Đông y cổ.

1. Tác dụng của lê theo đông y

Lê còn có tên khoái quả, ngọc nhũ, mật văn... Theo y dược học cổ truyền, quả lê tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc.

Theo Bản thảo huyền tông thì lê để sống có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo cho lục phủ và nếu nấu chín thì bổ âm cho ngũ tạng. Có sách viết: “Lê để sống giảm ho tiêu đờm, lê nấu chín dưỡng âm bổ dịch”.

2. Giá trị dinh dưỡng và công dụng với sức khỏe của lê

Không chỉ được đông y ghi nhận, ngay với khoa học hiện đại, lê cũng được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trong 100g lê có 86,5g nước, 0,1g chất béo, 0,2g protein, 11g carbohydrat, 1,6g xơ, 14mg canxi, 13mg phospho, 0,5mg sắt, 0,2mg vitamin PP, các vitamin nhóm P, C, betacaroten, 1mg axít folic.

Nguồn vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cần thiết cho có thể giúp lê có thể thực hiện một số chức năng như:

1. Ngăn chặn bệnh tiểu đường

Một kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy, việc tiêu thụ những loại trái cây chứa nhiều chất anthocyanin sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Trong khi đó, lê có chứa chất này nên việc ăn lê có lợi cho việc ngăn chặn bệnh tiểu đường.

Ở một nghiên cứu khác người ta thấy rằng ăn lê 5 lần/tuần cũng cải thiện sự nhạy cảm với insulin, ngăn chặn một phần hoặc nhiều phần các vấn đề liên quan tới tiểu đường như tuần hoàn, mắt, da và thận.

2. Lê có lợi cho hô hấp

Lợi ích với hô hấp của lê không chỉ được Đông y kiểm chứng và còn được cả Tây y chứng minh. Lý do giúp lê có khả năng tác động tích cực tới đường hô hấp là do lê có một chất chống ô xi hóa là glutathione. Glutathione tăng cường khả năng miễn dịch của phổi và giúp ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn và vi rút thông qua điều hòa sự tích tụ chất nhày.

3. Lê giúp ngăn ngừa loãng xương

Bệnh loãng xương gây ra bởi sự thiếu hụt canxi trong cơ thể. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này có thể là do cơ thể không hấp thụ được canxi hoặc canxi không được cung cấp đủ.

Lê là một trong số ít các loại trái cây có chứa nhiều khoáng chất boron, có tác dụng trong việc giữ lại canxi cho cơ thể. Lê được cho là giúp sản sinh ra các hormone, bao gồm oestrogen, giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương.

4. Lê tốt cho thai nghén

Axit folic vẫn được bác sĩ khuyến cáo bổ sung trong quá trình mang thai. Nguyên nhân là axit folic có thể giúp ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh ở trẻ.

Trong khi đó, một quả lê lớn cung cấp khoảng 14 mcg folat, góp phần đạt được tổng khẩu phần khuyến nghị là 200 mcg đối với người lớn và trẻ em trên 11 tuổi và 700 mcg ở người mang thai 12 tuần đầu.Đó là nguyên nhân mà bà bầu nên ăn lê trong thai kỳ của mình.

5. Lê tốt cho đường ruột

Chứa nhiều chất xơ, lê được coi là một thực phẩm có lợi cho đường ruột, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón.

Ngoài ra, với các triệu chứng ốm vặt như sốt, ho hãy cho người bệnh uống nước lê để giảm sốt, giảm ho vì lê có tác dụng làm mát và giải nhiệt cho cơ thể.

Thường khi gặp vấn đề về hô hấp, về tiêu hóa người ta thường sử dụng các bài thuốc bằng lê để điều trị.

3. Một số bài thuốc dùng lê

Để chữa bệnh hô hấp, giữ giọng, trị táo bón…người ta thường dùng một số bài thuốc có lê để trị. Ví dụ như:

Lê ép hoặc xay có tác dụng chữa ho khản tiếng.

+ Lê ép hoặc xay: Lê gọt vỏ, bỏ lõi, cho vào ép hoặc xay. Uống tươi nguyên chất hoặc cho thêm đường hoặc sữa để giải khát, chữa khô miệng, họng, ho khản tiếng.

+ Nước lê - ngó sen: lê 500g gọt vỏ bỏ hạt, vắt lấy nước. Ngó sen 500g bỏ đốt, lọc vỏ, thái vụn vắt lấy nước. Trộn 2 thứ với nhau, uống thay nước, chữa ho khan, họng khô khát.

+ Lê - củ cải: lê 1kg (bỏ hạt), củ cải trắng 1kg, gừng sống 250g, sữa đặc 250g, mật ong 250g. Cả lê, củ cải, gừng vắt nước riêng từng thứ, cho nước củ cải vào nồi nấu sôi mạnh rồi dịu xuống cho chín nhừ sền sệt như keo thì cho nước gừng, sữa nóng, mật ong khuấy đều, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi thì bắc ra, để nguội, cho vào bình. Đồ uống này thích hợp với chứng phế âm hư nhược, sốt về chiều, ho kéo dài, đờm ít và đặc, táo bón, tiểu tiện vàng và ít, suy nhược.

4. Hướng dẫn ăn lê đúng cách

Dù có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng bạn cần lưu ý khi ăn lê nhé.

Lưu ý thứ nhất là khi ăn lê cố gắng đừng gọt vỏ bởi trong vỏ lê chứa nhiều chất dinh dưỡng rất có lợi cho cơ thể.

Thứ 2 là không nên ăn kết hợp lê với một số loại thực phẩm bởi có thể gây ra ngộ độc. Chẳng hạn không nên ăn lê với thịt ngỗng bởi Thịt ngỗng chứa nhiều chất béo và protein, ăn quá nhiều sẽ khiến thận làm việc quá sức. Trong khi đó, lê thuộc trái cây tính hàn. Nếu ăn chung sẽ kích thích thận làm việc quá tải ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.Hay không nên ăn lê với củ cải, rau dền. Nếu ăn cùng, có thể gây ra tình trạng sưng tuyến giáp hoặc bị rối loạn tiêu hóa.

Thứ ba là ăn lê tốt nhất là sau khi đã no. Bởi vì nhựa trong lê có thể kết hợp với axit dạ dày lúc dạ dày trống rỗng, tạo thành những cục nhỏ khó hòa tan, khiến dạ dày bạn khó tiêu thụ thức ăn, tắc ruột hoặc gây ra hiện tượng táo bón.

Lê cũng không phải là thực phẩm được khuyến khích đối với những người có chức năng dạ dày thấp, người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, tiêu hoá không tốt.

Hiền Thảo/giadinhmoi.vn

Tin liên quan