Vô vàn những vấn đề khó khăn trong quá trình nuôi dạy con được các bác sĩ tâm lý, chuyên gia giáo dục, đại sư nối tiếng người Hàn Quốc đưa ra cách giải quyết cùng nhiều bài học làm cha mẹ quý báu.
Tác giả cuốn sách là ông Cheonseok Suh – tiến sỹ y khoa trường Đại học Quốc gia Seoul. Hiện tại, ông là bác sĩ tư vấn tâm lý cho trẻ em và những bậc cha mẹ còn lưu giữ tổn thương từ thời thơ ấu, đồng thời đảm nhận vai trò tư vấn tại các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình thực tế như “Bố ơi, mình đi đâu thế?” từng rất thu hút khán giả ở Việt Nam.
"Con chúng ta không sao đâu" là cuốn sách tập hợp những vấn đề các bậc cha mẹ thường gặp phải trong quá trình nuôi dạy con và những giải pháp kèm lời khuyên cho những vấn đề đó.
Cuốn sách đưa ra ba nguyên nhân dẫn đến các vấn đề giữa cha mẹ và con cái không thể giải quyết, đó có thể là do con, do cha mẹ hoặc do hoàn cảnh.
Nếu vấn đề ở con thì là do đứa trẻ quá khó tính, nhạy cảm và khó đoán. Với trường hợp này, tác giả cuốn sách đứa ra lời khuyên là cha mẹ hãy kiên trì chịu đựng, hạn chế phản ứng tiêu cực với hành vi của con thì con sẽ dần trở nên ôn hòa.
Đồng thời, hãy tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh, có thể trông con hoặc giúp đỡ con về mặt nào đó. Cha mẹ cũng cần tránh hết mức các tình huống mâu thuẫn với con, cần lưu ý về sở thích của con từ quần áo cho đến đồ chơi để không tạo cho con sự khó chiu.
Vấn đề lớn nhất ở cha mẹ là chứng trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh. Khi cha mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ dễ nổi nóng ngay cả những chuyện nhỏ nhặt. Nếu không bị trầm cảm, các cha mẹ thường gặp vấn đề bất an tâm lý, thể trạng yêu ớt và quá nhạy cảm, dẫn đến gặp nhiều stress trong quá trình nuôi con.
Giải pháp cho vấn đề này là, cần điều trị tích cực nếu mắc chứng trầm cảm sau sinh. Đồng thời, cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày và hãy suy nghĩ cách giảm bớt việc tiêu hao năng lượng trong việc chăm con.
Cuối cùng, việc nuôi con không phải lúc nào cũng được đặt trong hoàn cảnh lý tưởng. Các vấn đề thường gặp phải là trục trặc trong mối quan hệ giữa cha mẹ, bất đồng mẹ chồng – con dâu hay việc phân chia ai là người trông con…
Để giải quyết vấn đề này, trước hết các bậc cha mẹ cần nhanh chóng chấn nhận hoàn cảnh. Sau đó, hãy phân tích vấn đề mình gặp phải, có thể duy trì nuôi dạy con như cách cũ? Rồi “hãy để lòng thảnh thơi, quyết tâm tập trung vào những việc có thể làm ngay lúc này. Việc nuôi dạy con vì thế sẽ nhẹ nhàng và đúng đắn hơn”.
Ngoài ra, cuốn sách hướng dẫn từng giải pháp cụ thể cho từng vấn đề các bậc cha mẹ thường gặp phải trong quá trình nuôi dạy con. Đó là lo lắng có phải con phát triển chậm, con gái đã học tiểu học vẫn mút tay, bé trai lớn vẫn thường xuyên sờ ti mẹ hay tính ăn vạ của con ngày càng trậm trọng,…
Và trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần nhận thức được “sức mạnh của những người làm cha mẹ chính là ở sự kiên trì lâu bền”. Cha mẹ không thể khiến thay đổi ngay tức khắc mà cần nỗ lực đến cùng, tạo ảnh hưởng cho con trong một thời gian dài để khiến con thay đổi.
Cuốn sách được viết bởi tiến sĩ Shin Yee Jin, người hoạt động với vai trò là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, vừa là giáo sư giảng dạy tại Khoa sức khỏe tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Thanh Thiếu niên tại Bệnh viện Severancce (Seoul, Hàn Quốc).
Cuốn sách bao gồm 5 chương, 4 chương đầu nói về những nguy hại mà thế giới kĩ thuật số đang gây ra cho trẻ em. Chương cuối tác giả đưa ra phương pháp giáo dục kĩ thuật số với 7 nguyên tắc mà cha mẹ thông minh cần phải biết.
Cho đến khi đọc cuốn sách này, có lẽ hiếm cha mẹ nào nhận thức được sự nguy hại không thể lường được của các thiết bị kĩ thuật như máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh.
Theo tác gia cuốn sách, nhiều đứa trẻ bị tổn thương tâm hồn khi được đưa đến phòng khám của bà nguyên nhân đều do sự xuất hiện của các thiết bị kĩ thuật này trong đời sống hàng ngày. Có em nhỏ từ một học sinh gương mẫu trở thành một đứa trẻ có vấn đề chỉ trong nháy mắt vì em đã sa đà vào các thiết bị điện tử để giải tỏa cảm xúc bản thân.
Một em nhỏ khác thì không có được sự phát triển bình thường về mặt tình cảm do tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ kỹ thuật số dẫn đến các biểu hiện của đứa trẻ khiếm khuyết về mặt tinh thần. Và có em nhỏ bộc lộ rõ vấn đề điển hình của trẻ nghiện sử dụng thiết bị công nghệ kĩ thuật số như không điều tiết được cơn giận giữ và luôn có thái độ chống đối.
Ngoài ra, cuốn sách đưa ra phân tích cặn kẽ việc thế giới kĩ thuật số đang phá hủy não bộ của trẻ thơ như thế nào, khi não bộ của trẻ đang bị biến thành nô lệ của các thiết bị này. Vì vậy, các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Pháp, Đức, Phần Lan,… đã sớm quan tâm đến “phương pháp giáo dục kĩ thuật số”. Thậm chí, những thiên tài của thung lũng Silicon tại Mỹ cách li máy vi tính với cuộc sống thường ngày của con cái họ, tìm cho con một ngôi trường không có máy vi tính.
Để nuôi dạy con theo phương pháp kĩ thuật số, tác giả cuốn sách đưa ra 7 nguyên tắc: Mua “khi nào” quan trọng hơn là mua “cái gì”, “nội dung” quan trọng hơn “thời gian”; Ngay từ đầu phải đưa ra các hình phạt nếu trẻ không giữ lời hứa; Giải thích cặn kẽ lý do của việc đưa ra các quy tắc; Cha mẹ và con cái hãy luôn chia sẻ với nhau về những trải nghiệm kỹ thuật số; Cả gia đình phải đồng lòng tham gia và Nếu cha mẹ không kiểm soát được tình hình hãy nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia.
Tác giả cuốn sách là bà Lee Na Mi, hiện là giáo sư tại trường đại học Y thuộc Đại học Quốc gia Seoul, giáo sư tại Viện nghiên cứu Jung Hàn Quốc đồng thời là viện trưởng Viện nghiên cứu Phân tích tâm lý Lee Na Mi.
“Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” đưa đến thông điệp chính là, muốn con trưởng thành, cha mẹ đừng tự biến mình thành siêu nhân. Bởi cha mẹ không thể lo toan cho con tất cả, không thể sống cuộc sống của con. Thành công quan trọng của việc nuôi dạy con là tạo được cho con tính tự lập, có thể xây dựng cuộc sống riêng khi rời xa vòng tay bố mẹ.
Hiện nay, các bậc cha mẹ, đặc biệt là người trẻ tuổi thường gặp vấn đề trong việc tìm phương pháp nuôi dạy con khi đứng trước “cơn lũ” thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế nền tảng giáo dục được xây dựng từ những điều rất nhỏ, chỉ cần tận hưởng những khoảnh khắc bên con đã là cách nuôi dạy con lý tưởng.
Tác giả đưa ra một lời cảnh tỉnh, là cha mẹ đừng quá kỳ vọng vào con. Đừng tạo áp lực cho trẻ về điểm số học tập hay cho rằng những lựa chọn của cha mẹ là điều tốt nhất nên con phải làm theo. Hãy tôn trọng sở thích, niềm đam mê của trẻ để trẻ cảm thấy được yêu thương và phát triển tự nhiên.
“Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” cũng giúp các bậc cha mẹ, những người lần đầu nuôi con có được những kỹ năng quan trọng như làm sao để con có thói quen ăn uống hợp lý, tầm quan trọng của tấm gương là cha mẹ,…
Tuy nhiên, cha mẹ không phải là siêu nhân. Việc nuôi dạy một đứa trẻ, yếu tố quyết định là giáo dục gia đình từ bố mẹ, ông bà nhưng vai trò của môi trường xã hội, đất nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Vì vậy, bên cạnh giúp con có thể chất khỏe mạnh, việc cha mẹ cần làm là dạy trẻ cách nhìn nhận đúng sai, cách thể hiện thái độ đúng mực với mọi việc xung quanh.
Cuốn sách được viết bởi vị đại sư tôn kính nhất đất nước Hàn Quốc - Ven. Pomnyun Sunim.
Với phương pháp giáo dục mới mẻ - giáo dục bằng nhân tâm, cuốn sách là tập hợp những kinh nghiệm nuôi dạy con quý báu, những bài học nhẹ nhàng, những thao tác kĩ năng đơn giản mà thiết thực.
Cuốn sách gồm 4 chương, lý giải và giải quyết các vấn đề nhiều bậc cha mẹ gặp phải: Yêu con thế nào cho đúng? Phẩm chất của cha mẹ sẽ di truyền sang con như thế nào? Gánh nặng bài vở sẽ hạ gục con như thế nào? Làm thế nào để cả cha mẹ và con cùng vui vẻ?
Cùng với đó, những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình nuôi dạy con của các gia đình như: Ở nhà chăm con hay đi làm?, Con là đứa trẻ cá biệt, Người mẹ đang chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống, công việc và chăm sóc gia đình… cũng được Đại sư Ven. Pomnyun Sunim tìm ra gốc rễ và chia sẻ nhẹ nhàng.
Cuốn sách vì thế tạo thành cơn sốt trong làng sách giáo dục Hàn Quốc khi người đưa ra những nguyên tắc nuôi dạy con bổ ích lại đơn giản là một vị đại sư.