Nhiều người Việt có thói quen bị bệnh gì cũng dùng dầu gió. Từ cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, ho, đau bụng, đau đầu, đến côn trùng đốt… đều có thể bôi, hít, xông hơi, pha nước tắm… thậm chí là uống dầu gió.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, việc lạm dụng dầu gió để chữa “bách bệnh” có thể gây ra một số phản ứng bất lợi cho sức khỏe. Khi quá lạm dụng, hoặc dùng sai mục đích thì hậu quả phải gánh chịu lại đến từ chính những thành phần cơ bản của dầu gió.
Thành phần chính của dầu gió là tinh dầu (tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, hương nhu, quế, tràm…) và các chất chiết xuất từ tinh dầu (menthol, methyl salicylat, camphor…). Khi sử dụng dầu gió không đúng cách, sử dụng quá liều có thể gây hại cho sức khỏe như:
- Gây kích ứng da: Chủ yếu do methyl salicylat trong dầu gió, hoạt chất này thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thường được kết hợp với các tinh dầu khác trong dầu gió giúp cho vùng da được xoa dầu nóng lên nhanh, giúp giảm đau, chống tê thấp, đau cơ bắp. Nhưng nếu được sử dụng với lượng lớn, methyl salicylat sẽ làm rộp da, tổn thương màng nhầy cơ quan hô hấp.
- Tổn thương hệ hô hấp: Thường gặp khi sử dụng dầu gió có chứa menthol, hoạt chất chiết xuất từ tinh dầu bạc hà, nó có thể gây ức chế hô hấp, tuần hoàn, đã có báo cáo ghi nhận trường hợp trẻ em bị tử vong sau khi sử dụng 1 giọt tinh dầu có chứa menthol.
- Gây ngộ độc: Chủ yếu gặp phải với đối tượng trẻ em dưới 24 tháng tuổi, do trong thành phần của dầu gió chứa camphor, là một chất độc đối với trẻ em. Nếu sử dụng không đúng, dầu gió hấp thu quá mức qua các vết thương hở, phần da bị trầy xước hoặc nuốt với lượng khoảng 1g có thể gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.
- Gây hạ thân nhiệt: Các thành phần có trong dầu gió bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh khi xoa vào da. Nhưng khi dùng nhiều dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi nên dễ gây hạ nhiệt.
- Các triệu chứng ngộ độc tuỳ thuộc vào lượng dầu gió đã sử dụng. Các biểu hiện có thể gặp sau khi sử dụng từ 5-90 phút, thường gặp là buồn nôn, nôn, bỏng miệng… có thể xuất hiện tình trạng co giật, khó thở, hôn mê.
- Khi phát hiện thấy người bệnh sử dụng dầu gió quá mức, có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ ngộ độc dầu gió cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng kèm theo sản phẩm.
- Không dùng dầu gió cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tuyệt đối không dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, không bôi dầu vào mũi trẻ. Không dùng cho các đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Không bôi dầu gió vào niêm mạc, vùng mắt hoặc bôi dầu lên các vết thương hở, vùng da trầy xước.
- Không dùng quá 3-4 lần/ngày.
- Chỉ dùng dầu gió ngoài da, tuyệt đối không được uống vì rất dễ bị ngộ độc