17 giờ ngày 26/2, Phòng Cấp cứu – Bệnh viện E tiếp nhận 3 trường hợp bị bỏng nặng do bóng bay galaxy phát nổ. Các bệnh nhân bị bỏng nặng vùng mặt, hai tay và tóc, lông mày cháy xém.
Theo BS Trần Duy Hiến – bác sĩ trực cấp cứu cho biết, khai thác tiền sử bị bỏng của các bệnh nhân, được biết, trước đó, một số bạn sinh viên học đại học trên địa bàn Hà Nội đã mua bóng bay galaxy về bán tại cổng trường tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 80.000 – 100.000đồng/quả.
Trong khi bán số bóng trên đã gặp phải tàn lửa thuốc lá gây phát nổ khiến 3 bạn sinh viên đang cầm bóng bay bị bỏng nặng. Các vết bỏng tập trung chủ yếu vào vùng mặt, đầu, cổ của các bạn sinh viên trên. Ngay lập tức, các nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E. Các bác sĩ đã tiến hành sơ cấp cứu ban đầu để hạn chế mức độ bỏng sâu cho nạn nhân.
BS Trần Duy Hiến cảnh báo về tính chất nguy hiểm chết người từ loại bóng bay galaxy, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trái ngược với vẻ ngoài của nó, bóng bay Galaxy lại mang một mối nguy hiểm tiềm tàng. Bởi vì, chỉ cần một tàn lửa thuốc lá cũng khiến bóng nỏng và gây bỏng cho người chơi. Do đó, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi mua loại bóng này cho trẻ chơi, tránh hậu quả đánh tiếc xảy ra.
Theo một trong số những sinh viên còn lại, những quả bóng bay galaxy đó được họ mua trên chợ đầu mối nên không biết bên trong quả bóng chứa loại khí nguy hiểm nào. Chỉ đến khi gặp tàn lửa thuốc lá thì tất cả số bóng bay trên phát nổ và gây bỏng nghiêm trọng cho họ.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS TS. Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Đất đèn thành phần chính là CaC2, khi cho vào nước tạo thành Ca(OH)2 + C2H2. Khí C2H2 có phân tử khối 26 chỉ hơi nhẹ hơn không khí (29) nên bóng khó bay cao.
Do vậy, người ta thường thêm khí H2 (rất nhẹ do phân tử khối bằng 2) trộn lẫn với C2H2 trước khi bơm vào bóng.
Khí H2 có thể tạo ra dễ dàng bằng nhiều cách, chẳng hạn lấy bột nhôm (màu trắng) hoặc vỏ lon bia (thành phần chính là nhôm) tác dụng với dung dịch kiềm như NaOH, Ca(OH)2…
Hỗn hợp khí C2H2 (đất đèn và nước) + H2 rất dễ bị nổ cực mạnh với khí O2 (trong không khí) do khí H2 rất dễ bắt cháy, còn C2H2 khi phản ứng với O2 sinh rất nhiều nhiệt gây nổ mạnh.
Khi sử dụng có bóng đèn dễ sinh nhiệt hay độ nhọn của bóng, dây đèn tạo ma sát khí H2 sẽ bị phản ứng khiến bóng nổ. Cùng với đó, việc trang trí bóng bay trong đêm tiệc có nến, tàn thuốc cũng vô cùng nguy hiểm.
Khi nổ cả chùm bóng, áp suất có thể lên tới 3.000 độ C gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiếp xúc.