Khi làm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, cần tránh những điều đại kỵ sau để vạn sự hanh thông, may mắn luôn song hành.
Trong quan niệm truyền thống, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công ông Táo lên báo cáo với Ngọc Hoàng về những chuyện dưới hạ giới. Vì thế các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo rất đủ đầy và trang trọng.
Vào sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ làm lễ quan soái (lễ sửa bát hương). Với sự kính cẩn và thành tâm, bát hương được lau sạch sẽ, để lại ba chân hương đẹp nhất. Lễ sửa bát hương chỉ thực hiện một lần duy nhất trong năm, đó là vào ngày 23 tháng Chạp.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm bộ mũ áo, cá chép (có thể cá sống hoặc cá giấy). Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo bao gồm:
- Thịt luộc
- Gà luộc
- Xôi hoặc bánh chưng
- Món xào thập cẩm
- Canh măng (hoặc canh nấm, canh mọc, canh bóng)
Ngoài ra còn có hoa quả, trà rượu, trầu cau, vàng mã.
Trong khi tiến hành làm lễ tiễn ông Táo về chầu trời, ngoài sự chuẩn bị chu đáo và thành tâm, các gia đình cũng cần chú ý đến những điều đại kỵ sau.
Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai sẽ được cúng tại bàn thờ chính trong nhà, ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi chuyện bếp núc trong gia đình nên sẽ được cúng dưới bếp.
Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Lễ cúng ông Công ông Táo cần được tiến hành chung và tại bàn thờ gia tiên, như thế mới đúng phong tục và thể hiện được sự trang nghiêm và lòng thành của gia chủ.
Ngoại trừ một số vùng miền còn tục lệ đặt ban thờ ông Táo ở dưới bếp, thì mới làm lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp gần bếp. Nếu gia đình bạn chỉ có một ban thờ chính, lễ cúng ông Công ông Táo nhất định phải được tiến hành cùng một địa điểm – đó là tại ban thờ chính của gia đình.
Trong tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm Táo quân đã về chầu trời. Vì thế nếu làm lễ cúng và phóng sinh cá chép sau thời điểm này, Táo quân sẽ không kịp về trời và báo cáo với Ngọc Hoàng về các sự việc ở hạ thế. Đây là điều đại kỵ vì cả một năm sau đó, gia chủ sẽ có cuộc sống vô cùng vất vả, lận đận và nhiều sóng gió.
Lễ cúng ông Công ông Táo thực chất là nghi lễ tiễn đưa ông Công ông Táo lên chầu trời. Ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên tâu với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Từ đó, Ngọc Hoàng sẽ có những quyết định “thưởng phạt” gia đình đó dựa trên báo cáo của các Táo quân. Đó là lý do vì sao nghi lễ này phải được thự hiện trang trọng nhất.
Rất nhiều gia đình hiểu sai ý nghĩa này, dẫn đến việc trong quá trình thực hiện nghi lễ, cầu xin Táo quân quá nhiều tài lộc. Đây là việc làm không nên.
Các gia đỉnh chỉ nên thành tâm khấn vái, xin ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua, cầu mong Táo quân báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc làm tốt và bày tỏ lòng thành kính tiễn đưa ngài về chầu trời.
Thả cá chép phóng sinh trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Sau nghi thức cúng lễ và hóa vàng, người dân sẽ thả cá chép phóng sinh tại sông, suối, hồ nước gần nhà.
Tuy nhiên cách thả cá chép như nào cho đúng ý nghĩa tâm linh thì không phải ai cũng biết.
Nghi thức thả cá chép đúng là thả cá từ từ, tuyệt đối không thả từ trên cao và không nên ném cả túi nilon để tránh gây ô nhiễm môi trường. Nhiều gia đình thả cá theo cách đổ, ném, quăng cá là tuyệt đối cấm kỵ. Vì đó là thái độ bất kính và làm mất đi tính thiêng liêng của thả cá phóng sinh.
Trên đây là những điều tuyệt đối không nên làm khi tiến hành nghi lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Gia chủ nên ghi nhớ để nghi lễ được thực hiện đúng chuẩn với phong tục truyền thống và thể hiện lòng thành với các vị thần linh.