Cú đấm của một gã say và nỗi hoang mang của người khoác áo blouse trắng

60% số vụ bạo hành thầy thuốc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, 20% xảy ra tại tuyến trung ương, 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Xem thêm

Chuyện các y bác sĩ bị hành hung, thậm chí bị đe dọa tính mạng ngay tại nơi làm việc- chốn tưởng chừng chỉ dành cho việc cứu người, đáng buồn thay, đã trở thành “vấn nạn” ngày một nhức nhối, gieo vào tâm trí những người khoác áo blouse trắng những nỗi hoang mang khó giấu.

Đấm vào mặt bác sĩ chỉ vì… tiếng loa

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) một buổi tối mùa hè nóng nực ngày 26/6. Vào khoảng 19 giờ, không gian yên ắng của khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bỗng vang lên những tiếng chửi rủa ầm ĩ khó nghe của một người đàn ông, tiếp sau đó là tiếng kêu cứu thất thanh của một người phụ nữ.

Chỉ ít phút sau đó, hiển hiện trước mắt các bệnh nhân, y bác sĩ cũng như những ai có mặt tại bệnh viện hôm đó là cảnh tượng người phụ nữ trẻ khoác trên mình bộ đồng phục màu xanh của bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang hoảng loạn vì đau đớn.

Toàn bộ vùng mắt, mặt, má của chị sưng vù, đỏ ửng chứng tỏ vừa trải qua những tác động rất mạnh. Kế bên đó, một gã đàn ông vẫn chưa hết cơn say xỉn và dù đã bị lực lượng bảo vệ ngăn cản, vẫn ra sức gằm gè.

Lực lượng Công an phường Tam Hòa (TP Biên Hòa) sau khi nhận được tin báo, đã nhanh chóng tới Bệnh viện và sự việc sau đó lộ sáng.

Người phụ nữ trẻ trong bộ đồng phục màu xanh ấy là nữ bác sĩ mới 26 tuổi Nguyễn Lan Hương còn gã đàn ông say xỉn, gằm gè kia là ông Nguyễn Công Lâm, 32 tuổi, ngụ tại TP Biên Hòa.

Theo khai báo của Nguyễn Công Lâm thì buổi chiều ngày 26/6, vợ Nguyễn Công Lâm được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để chuẩn bị sinh.

Đầu giờ tối hôm đó, sau khi đã “làm vài chén”, “tây tây” trong người, Nguyễn Công Lâm đang nằm đợi vợ sinh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì nghe tiếng loa phát thanh thông báo của khoa Sản bị lỗi và phát ra tiếng hú lớn kéo dài gây khó chịu. Lâm bực bội nói nhân viên bệnh viện tắt loa nhưng do nhân viên khoa Sản không rành nên đã báo cho nhân viên kỹ thuật lên sửa chữa.

Đợi kỹ thuật sửa chữa chưa kịp thì Nguyễn Công Lâm bất ngờ xông vào cửa khoa cấp cứu của Khoa sản lôi kéo và dùng tay đấm vào mặt bác sĩ Hương. Quá bất ngờ, bác sĩ Hương hô hoán mọi người vào giải cứu rồi đưa xuống khoa cấp cứu điều trị.

Cùng lúc này, lực lượng bảo vệ của bệnh viện đã ập vào khống chế đưa Lâm xuống phòng bảo vệ và báo cho công an phường đến xử lý. Qua kiểm tra, bác sĩ Hương bị chấn thương vùng mặt, mắt, sưng má, hoảng loạn tinh thần và đang được theo dõi chấn thương sọ não.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hương với cú sốc đầu tiên trong nghề y của mình

Theo chị Hương, trước nay vẫn có việc người nhà phản ứng bác sĩ nhưng nguyên nhân đều là lo cho sức khỏe của người bệnh. Sau khi được giải thích thì họ thôi. "Lúc đó, sự việc diễn ra rất nhanh, tôi cũng không biết chuyện gì xảy ra. Thực sự, tôi không nghĩ lại bị đánh vì một nguyên nhân không đáng. Họ xem nhân viên y tế là nơi trút giận vậy", nữ bác sĩ bộc bạch.

Tại Trụ sở Công an phường Tam Hòa, Lâm thừa nhận đã hành hung bác sĩ Hương trong tình trạng say rượu và anh ta hành hung bởi bực bội khó chịu bởi… tiếng loa.

Khi nhân viên y tế là nơi… trút giận

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - thừa nhận không chỉ tại bệnh viện này mà ở các bệnh viện khác cũng xảy ra các trường hợp phản ứng từ người nhà bệnh nhân.

"Có những bệnh nhân đến cấp cứu trước, nhưng có ca nặng hơn đến sau. Theo nguyên tắc, bác sĩ tập trung chữa trị người bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, người bệnh và thân nhân người đến trước không hiểu sẽ bức xúc phản ứng gay gắt", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Theo bác sĩ Tuấn, bệnh viện có 60 bảo vệ tập trung ở các khoa nhạy cảm để bảo vệ an toàn cho lực lượng y bác sĩ. Tuy nhiên, các trường hợp diễn ra rất nhanh, khi lực lượng bảo vệ tới đã xong. Do đó, bác sĩ Tuấn cho rằng cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với những đối tượng trên nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự xảy ra.

Theo chia sẻ mới đây của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, số vụ hành hung, bạo hành thầy thuốc gia tăng mạnh.

Theo ông Khuê, số vụ diễn ra trong hai năm 2017- 2018 cao hơn ba năm trước đó và tăng rất mạnh nếu so sánh với ba năm 2011-2013. 60% số vụ bạo hành thầy thuốc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, 20% xảy ra tại tuyến trung ương, 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng, có những trường hợp người bị hành hung là bệnh nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Ông Khuê cũng cho biết 90% số vụ hành hung xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc, giải thích cho bệnh nhân và người nhà.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần phải bảo vệ bác sĩ mạnh mẽ hơn

Lý giải về vấn nạn đáng quan ngại này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho rằng, chuyện người nhà bệnh nhân coi thường, hành hung bác sĩ được nhìn ở nhiều khía cạnh, nhưng đa phần là do bối cảnh xã hội, sự răn đe chưa đủ mạnh.

"Tôi nghĩ rằng, môi trường ngành y là nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân, tức bác sĩ đang thực hành nhiệm vụ. Nếu lý giải rằng do bác sĩ thế này thế nọ mới bị đánh thì người đó không phải là người đi tới khám bệnh, chuyện này chỉ xảy ra ngoài đường. Trong sự việc này thiếu gì cách để đóng góp ý kiến, chứ đâu phải đánh là giải quyết được vấn đề", bác sĩ Khanh bức xúc.

Theo bác sĩ Khanh, bác sĩ là người cô thế, họ không biết lúc nào họ không an toàn, vấn đề nhà nhà quản lý là phải tìm giải pháp làm sao cho họ an toàn (bảo vệ như thế nào, công an đến nhanh thế nào, xử lý các đối tượng đó thế nào…).

Nỗi đau của bác sĩ Hương, cú đấm tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nỗi bức xúc và đề xuất của bác sĩ Khanh- thực sự đáng để xã hội chúng ta suy nghẫm và đã đến lúc tìm một lời giải thỏa đáng.

Ngày 26/4/2019, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn ký Kế hoạch liên tịch số 100/KHLT-CĐYT-TCLĐCĐ triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Chương trình nhằm mục đích tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn vất vả, sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành Y; tuyên truyền, đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn ngành Y. 

Trên hết là niềm mong mỏi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân cùng chung tay ủng hộ Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm, tập trung sức lực và trí tuệ chăm sóc người bệnh; mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y cùng hưởng ứng chương trình bằng việc nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mình để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Ngày 29/10 tới đây, Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” – hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì.

Lan Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan