Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đã nâng cao được tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể trên 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 vinh danh ở lĩnh vực Y dược vừa được trao cho GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương với đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú”.
Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị ung thư vú.
Theo thông tin của Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các Trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho hay, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” là kết quả tổng hợp từ 03 đề tài cấp nhà nước, 03 đề tài cấp bộ, 02 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài hướng dẫn học viên cao học, nội trú, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công.
Công trình đã cung cấp bằng chứng tương đối đầy đủ và toàn diện liên quan tới ung thư vú tại Việt Nam với 78 bài báo đã xuất bản, trong đó có 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và 02 sách chuyên khảo.
Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đã nâng cao được tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể trên 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Các kết quả nghiên cứu cũng đã giúp ích cho việc đào tạo nhân lực, cung cấp số liệu cho hoạch định chính sách, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới phòng chống ung thư ở Việt Nam nhờ các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện K đối với nhiều bệnh viện ung bướu tuyến tỉnh trên cả nước.
Ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn.
Ví như, với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95 %, giai đoạn 2 tỷ lệ khoảng 70 - 75%, giai đoạn 3 tỷ lệ chữa khỏi đạt 65 %, nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỷ lệ thành công.
Tại Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1- 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con.
"Xu hướng mắc bệnh ung thư vú ngày một gia tăng, ví dụ năm 2000, thống kê khi đó 100.000 phụ nữ mới có khoảng 18 người mới mắc thì đến năm 2010 con số này đã lên lên tới 30 người, tức là đã tăng lên gần gấp đôi sau 10 năm. Đặc biệt bệnh ung thư vú ở nước ta ghi nhận ngày càng trẻ hoá", GS Thuấn cho hay.
Ước tính đến năm 2020, chỉ tính riêng ung thư vú thì số trường hợp mới mắc lên khoảng 23.000 ca.
Theo PGS Thuấn, tại Bệnh viện K Trung ương đã điều trị cho không ít những cô gái chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh.
Ngoài các yếu tố di truyền, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến tuổi bắt đầu kinh nguyệt muộn, tuổi sinh con lần đầu trên 30 tuổi. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30- 34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55- 59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.
Ở Việt Nam, hầu hết phụ nữ hiện nay vẫn chưa có kiến thức về biện phát tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng ung thư vú định kỳ nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
GS Thuấn cho biết thêm, người bệnh ung thư không những chịu đựng nỗi đau về thể chất mà còn chịu stress tâm lý nặng nề. Điều trị ung thư thường là kết hợp đa dạng phương pháp và rất tốn kém. Vì vậy, nhiều người bệnh và gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Tỷ lệ stress ở người bệnh ung thư vú là 40,4%; lo âu, trầm cảm là 28,8% và 15,9%. Ngoài ra, trong số các nhu cầu hỗ trợ tâm lý - xã hội, nội dung mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất là dinh dưỡng và điều trị.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, cần phải có những biện pháp đồng bộ trong việc xây dựng các mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội ngay tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
GS Thuấn khuyến cáo, để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, giảm chi phí chữa bệnh, người dân nên có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh.