Trong 5 năm tiến hành triển khai đo lường độ hài lòng của người dân với bệnh viện công, kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh với ngành y đã đạt ngưỡng 80%.
Với ngành y, vừa là động lực vừa là thách thức
Ngày 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam công bố kết quả khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng của người bệnh tại 29 Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tại 21 tỉnh thành. Cuộc khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện.
Kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 điểm, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,5% so với kỳ vọng của người bệnh.
TS Nguyễn Lan Hương – Đại diện Tổ chức sáng kiến Việt Nam cho biết, kết quả này không thể phản ánh đầy đủ thực trạng chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành y. Vì con số cơ sở được thí điểm mới dừng ở mức 29/1400 bệnh viện công trên toàn quốc.
Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát này cho thấy, người bệnh hài lòng với điều gì và kém hài lòng với điều gì, mức độ khác biệt giữa các tuyến bệnh viện ra sao. Để từ đó, nhân viên y tế, cơ sở y tế tìm được những lý do ẩn sau các con số và có sự điều chỉnh phù hợp.
Cụ thể, TS Nguyễn Lan Hương chia sẻ: "Trong các khảo sát này, chúng tôi thấy người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh (4,15/5 điểm) trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh (3,74/5 điểm).
Người bệnh ở tuyến trên và hạng trên có mức độ hài lòng cao hơn. Ở tuyến huyện, người bệnh kém hài lòng nhất về các tiêu chí thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả điều trị khám, chữa bệnh”.
Thế có nghĩa, con số 80% là sự thể hiện khách quan năng lực của cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Là điểm báo giúp các bệnh viện biết mình cần nâng cao hơn nữa năng lực khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân.
Ngoài ra, theo lời GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, 80% mức độ hài lòng, với nhân viên y tế nó là con số biết nói:
“Nó đánh giá thực chất được sự tiến bộ của ngành y và là động lực rất lớn với nhân viên y tế. Nếu bị đánh giá kém, nhân viên y tế sẽ trăn trở, băn khoăn liệu người bệnh có nhìn nhận sai.
Hay những việc chưa tốt nhưng nhân viên y tế chưa phát hiện ra thì qua đây, người bệnh chỉ cho lãnh đạo cơ sở đó, nhân viên cơ sở đó thấy. Và từ tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị, họ thay đổi tích cực để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân ngày một tốt hơn”.
Không chỉ vậy, với sự áp dụng chấm điểm này, nhân viên ngành y được lãnh đạo quan tâm hơn về chế độ đãi ngộ cũng như môi trường làm việc đảm bảo sức khỏe, an toàn.
Họ cũng được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ và tham gia nghiên cứu khoa học tùy theo những lĩnh vực chuyên môn.
Ở nhiều nơi, nhân viên được bố trí làm việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực chuyên môn mình có. Từ đó, họ tự hào hơn về bản thân, tự hào về chính nơi mình công tác.
Vậy người dân được gì?
Song song với việc những cái được của ngành y tế, người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chính những đánh giá công tâm của họ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, với mô hình trên, thời gian chờ khám của bệnh nhân được rút ngắn, người bệnh được đảm bảo an toàn trong quá trình nằm viện, được chăm sóc trong môi trường xanh – sạch – đẹp…
Ngay như ở Bệnh viện Mắt Trung Ương, từ sau áp dụng chấm điểm hài lòng, bệnh nhân và người nhà khi đến bệnh viên được cung cấp đầy đủ thông tin, rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên y tế và bệnh nhân trong quá trình khám bệnh.
Tại cổng viện, bệnh nhân đã được hướng dẫn thông qua hệ thống phát thanh cách thức, thủ tục và được nhân viên, bảo vệ giúp đỡ khi xếp hàng lấy phiếu…
Chưa kể, toàn bộ cảnh quan đã được thay đổi, trở nên thân thiện hơn, nhà vệ sinh được nâng cấp giúp bệnh nhân yên tâm, thoải mái hơn khi khám bệnh và điều trị tại đây.
Hay như Trung tâm Y tế Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), người bệnh khi đến đây đã nhận thấy rõ sự thay đổi của cơ sở. Trong đó, bệnh nhân được xem là trung tâm của mọi hoạt động.
Nhờ đó, người dân không phải chờ đợi quá lâu. An ninh thắt chặt, bệnh nhân không gặp phải tình trạng mất cắp như trước. Người bệnh cũng được bảo đảm riêng tư, kín đáo khi thực hiện các thủ thuật…
Có thể thấy, dù nhiều người hoài nghi về tính khách quan của mức độ hài lòng bệnh viện công nhưng xét đến cùng, cả ngành y dần chuyển mình thay đổi để phục vụ tốt nhất người bệnh.