Không có giấy phép hoạt động, không hiểu biết y học nhưng ‘công chúa thuốc lào’ vẫn nghiễm nhiên nhận khám chữa nhiều loại bệnh nan y.
‘Công chúa thuốc lào’ tên thật là Nguyễn Thị Nhung (SN 1978, trú tại Gia Lâm, Hà Nội), hành nghề hơn 1 tháng trở lại đây.
Chuyện bắt nguồn từ việc chị Nhung tự xưng là ‘thần y’ nhận chữa đủ mọi loại bệnh: Co rút chân tay, liệt, gù, câm điếc… do bẩm sinh, tai biến, tai nạn, thoái hóa.
Nhiều người dân đã tin lời quảng cáo tụ tập tại thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh để khám chữa bệnh.
Theo những clip được ‘công chúa thuốc lào’ chia sẻ trực tiếp trên mạng xã hội, chị này chữa bệnh bằng việc tác động một lực mạnh vào vùng co rút, ‘dậm chân’ để chữa gù hay rút lưỡi để chữa câm… mặc cho nhiều người đau đớn, gào khóc.
Đặc biệt, chị Nhung còn từng rút lưỡi 1 bé trai bị câm bẩm sinh đến tóe máu, dùng cả cơ thể tạo lực lên chiếc lưng gù của một bà cụ…
Trước những lùm xùm xoáy quanh việc này, Bộ Y tế đã vào cuộc và đã lập biên bản xử phạt, cấm chị Nhung hoạt động từ ngày 2/12.
Thế nhưng ‘thần y’ vẫn vô tư nhận khám chữa và nhiều người dân vẫn đổ xô tìm đến ‘cô’ để chữa bệnh. Nhất là những người có vấn đề về xương khớp, đi lại khó khăn…
Gần đây nhất, ngày 10/12, trên fanpage ‘Công chúa thuốc lào’ tiếp tục livestream buổi chữa bệnh. Tại đây, rất đông người dân, người bệnh đến chữa trị.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trao đổi với Gia Đình Mới, Ths. BS Trần Ngọc Tùng (Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: 'Các bệnh liên quan đến xương khớp có sự khác nhau giữa việc bẩm sinh, do tai nạn hoặc thoái hóa... Chính từ đó mà cũng có những cách chữa trị khác nhau.
Riêng như với gù lưng, ở trẻ nhỏ hoặc người lớn bị gù do dị tật bẩm sinh khiến xương không phát triển bình thường.
Để chữa trị, bắt buộc người bệnh phải tiến hành phẫu thuật ngoại khoa, can thiệp sớm, nhất là với trẻ nhỏ khi đã hết tuổi phát triển xương.
Với những người bị gù do ngồi sai tư thế… thì nên chữa trị bằng cách nẹp lưng, vật lý trị liệu. Còn ở người già, việc gù lưng là do xương bị thoái hóa.
Ths. BS Trần Ngọc Tùng khẳng định: 'Người bệnh không nên làm tổn thương thêm bằng việc tác dụng những lực quá mạnh, xoay, ‘bẻ’ người mà nên điều trị loãng xương.
Chữa gù bằng việc dùng lực tác động lên cột sống là phản khoa học, điều này vô tình có thể làm gẫy đốt sống, chấn thương tủy sống gây ra liệt’.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù không thu tiền thì đây cũng là dịch vụ có điều kiện và có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh.